.

Thay đổi khi hãy còn chưa muộn

Báo Đất Việt, ngày 5-12-2009, trong bài viết “Được thủy điện, hại dân sinh” đã đăng ý kiến của ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng về chuyện nếu cứ lấy nước sông Vu Gia dồn sang sông Thu Bồn như cung cách hiện nay thì 1,5 triệu người sẽ thiếu nước sinh hoạt, 36 trạm bơm trong hệ thống đập dâng An Trạch sẽ không hoạt động được, 10.000ha đồng ruộng bị khô hạn, tức là sẽ làm cho cuộc sống của hàng chục vạn con người ở hai địa phương Đà Nẵng - Quảng Nam lâm vào cảnh khốn cùng…

Thực tế hiển nhiên đó đã được UBND thành phố Đà Nẵng kiến nghị nhiều lần với Chính phủ; đồng thời, báo chí đã có đến hàng trăm bài viết cảnh báo bằng những chứng cứ khoa học đáng tin cậy; thế nhưng, tại sao cho đến tận bây giờ, sự nguyên trạng (status quo) của bi kịch vẫn không hề được thay đổi?

Thứ nhất, phải coi đây là một vấn đề nghiêm trọng, nhất thiết phải được xem xét một cách kỹ càng. Bằng chứng từ thực tiễn lịch sử nước ta trong nhiều năm qua đã chứng minh rằng rất nhiều công trình, dự án đã được thực hiện một cách tắc trách, gây nên những hậu quả khôn lường - chỉ đến khi không thể không thay đổi thì tiền mất, tật mang, tác động xấu đến an sinh xã hội. Bằng chứng rõ nhất là chặt phá rừng để trồng… cây(!)

Thứ hai, điều chỉnh dòng xả của hệ thống thủy điện trên sông Vu Gia khác với thiết kế (sai lầm) sẽ dẫn đến không ít tốn kém cho nhà đầu tư. Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là: Sự thiệt hại (do kém hiểu biết, lỗi của nhà hoạch định, thiết kế) đó so với cuộc sống, tính mạng của hàng chục vạn con người - điều gì quan trọng hơn? Câu trả lời đã có nhưng kéo theo câu hỏi mới: Phải chăng vì lợi ích cục bộ - nhóm của một quần thể lợi ích nào đó nên thảm họa do các chuyên gia môi trường – sinh thái đặt ra, đến nay vẫn bị làm ngơ?

Thứ ba, sai lầm về thiết kế, quy hoạch; sự tàn phá rừng đầu nguồn bởi hệ thống thủy điện chằng chịt; cũng như các hệ lụy chưa thể lường hết theo nguyên tắc cộng hưởng dây chuyền…, nhất thiết phải có những con người cụ thể phải chịu trách nhiệm. Không thể có chuyện sai phạm nghiêm trọng nhưng lại không tìm ra những cá nhân gây ra các sai phạm nghiêm trọng đó.

Tại sao chúng ta lại có thể chấp nhận sự kéo dài của một nỗi lo (nỗi đau, nguy hại) mà lại không tìm những giải pháp quyết liệt để chấm dứt nó? Con đường của sự thật thực ra là rất giản dị: Những chứng cứ, lập luận khoa học thuyết phục, cách đặt vấn đề cụ thể đúng chỗ, đúng thời điểm; sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, là những sức mạnh có thể thay đổi cái đang được coi là “đã rồi”!

Không thể để đến lúc hậu quả xảy ra trầm trọng mới tìm cách vá víu để cho tính trầm trọng giảm bớt. Không thể để mặc cho hàng chục vạn con người “chờ” cái hiểm họa đang rình rập ập tới. Cần phải thay đổi cái có thể thay đổi, trước khi điều nên làm trở thành quá muộn.

HÀ VĂN THỊNH

;
.
.
.
.
.