.

Chỉ số lòng tin

Hai năm liền, Đà Nẵng được bình chọn là địa phương dẫn đầu năng lực cạnh tranh trong tất cả các tỉnh, thành cả nước. Việc chấm điểm liên quan đến nhiều chỉ số dựa trên các nghiên cứu, đánh giá khoa học và nhiều cuộc phỏng vấn các nhà đầu tư... Đứng đầu, nhưng theo bà Nông Thị Ngọc Minh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng thì có vài chỉ số vẫn có điểm thấp, do vậy việc phấn đấu cải thiện cũng như sự hài lòng vẫn còn ở phía trước...

Từ chỉ số cạnh tranh trong thu hút đầu tư, tôi nghĩ đến một chỉ số khác: chỉ số lòng tin hay sự hài lòng của người dân đô thị. Chúng ta chưa có một điều tra xã hội cụ thể nào về lĩnh vực này, nhưng những dấu hiệu của nó thì có thể nhìn thấy được.

Mấy hôm trước, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh nhắc nhở cán bộ ngành địa chính cần quan tâm giải quyết những bức xúc về nhà đất của dân ở một vài nơi... Thành phố đang trong quá trình chỉnh trang và đẩy mạnh đô thị hóa thì ngành địa chính, quy hoạch phải là người đứng mũi chịu sào trong việc lo nơi ăn chốn ở cho dân. An cư mới lạc nghiệp được... Vài hôm sau lại có hơn ngàn chị em tiểu thương đến Nhà hát Trưng Vương trình bày nguyện vọng với người lãnh đạo cao nhất thành phố. Đáng nói là cuộc “hội ngộ” này diễn ra vào đầu tháng Chạp và trước những xôn xao của dư luận về chuyện sắp có những thay đổi ở các chợ lớn, ảnh hưởng đến việc buôn bán của tiểu thương. Sau cuộc tiếp xúc đó, chị em đã “thở ra” và yên tâm lo cho việc buôn bán cuối năm. Cô em dâu nhà tôi có quầy hàng ở chợ Hàn lại phấn khởi hơn vì được miễn tiền thuê mặt bằng trong suốt tháng Giêng.

Có lẽ việc lãnh đạo Đà Nẵng gặp gỡ, đối thoại, tìm hiểu nguyện vọng và đời sống của tiểu thương, những người lao động nghèo khó như đạp xích lô, đi xe thồ, gặp những người cải tạo ở các trại giam vừa mãn hạn để tìm cách giúp họ làm lại cuộc đời... rồi gặp cả những vị “vũ phu” để đối chất, yêu cầu họ thay đổi thái độ sống... là những việc xưa nay chưa ai làm. Nhưng đó là những cuộc gặp chính thức, có báo chí đưa tin, tường thuật...

Tôi biết, từ năm 1995 đến nay, ông Nguyễn Bá Thanh đã có hàng nghìn cuộc gặp riêng rẽ, không hề có báo trước vào nhiều thời điểm khác nhau như gặp các thân nhân có người nhà nằm bệnh viện, thăm anh chị em công nhân vệ sinh. Ông cũng đến tận nơi tìm hiểu thực tế những tranh chấp, phản ánh trong đời sống muôn mặt của người dân. Một anh thợ hớt tóc trên đường Lê Duẩn bị kiện lấy lại quán hớt tóc làm đơn khiếu nại, ông đến tận nơi làm khách hớt tóc để tìm hiểu sự thật.

Một vị thương binh nọ trên đường Phan Thanh lên giọng công thần không hưởng ứng việc Nhà nước và nhân dân cùng làm khi cải tạo kiệt Tiến Thành cũng được ông viếng vào lúc trời chưa sáng tỏ để đấu tranh trực diện làm... sáng tỏ sự chây ì, sai trái. Ông cũng đi chợ, mặc cả để biết văn minh thương mại trong thành phố ra sao hay vào bệnh viện lúc nửa đêm để biết các bác sĩ, y tá, hộ lý thực hiện y đức thế nào... Tôi cũng biết ông đã vào Sân vận động Chi Lăng, vào Nhà hát Trưng Vương, đường Bạch Đằng, cầu Thuận Phước... trong lúc đang thi công và phát hiện được nhiều bất hợp lý để chỉnh sửa hoặc xử lý kịp thời những vướng mắc.

Sau tất cả những cuộc “vi hành” đó, Đà Nẵng đã có nhiều chính sách về an sinh xã hội cũng như tháo gỡ được nhiều mắc mớ về dân sinh, nhất là đối với người nghèo. Nhờ vậy, tốc độ đô thị hóa đã nhanh hơn nhiều nơi khác, hạ tầng phát triển nhanh hơn và người dân cũng yên tâm, hài lòng hơn với cuộc sống...

Kể ra những chuyện đó, người viết lại cũng nghe nhiều quan chức cấp thành phố, cấp quận, huyện của Đà Nẵng tự nhận nay họ đã gần dân hơn, cụ thể hơn là cứ dự hết cuộc họp này đến cuộc họp khác trong các phòng lạnh như trước đây. “Mình lơ mơ, đến khi ổng kiểm tra lại nói ú ớ thì có chết!”- một giám đốc cấp Sở đã nói như vậy!

Và đó chính là hiệu ứng dây chuyền phát đi từ người đứng đầu. Phải chăng hiệu ứng đó tạo nên một sức cạnh tranh khác: không phải để thu hút đầu tư mà là thu phục nhân tâm cho sự phát triển!

NGUYỄN SÔNG HÀN

;
.
.
.
.
.