.

Hỗ trợ Tết cho những người “vác tù và”

Tiếp theo thông tin về lương và thưởng Tết của các doanh nghiệp, dư luận thành phố đang rất quan tâm đến Quyết định của UBND thành phố về hỗ trợ Tết cho các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng (kể cả sinh viên khá, giỏi) thuộc quận, huyện, phường, xã quản lý. Theo quyết định này, cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng (kể cả sinh viên khá, giỏi), bao gồm quản lý hành chính (trừ khối quận, huyện ủy, Trung tâm chính trị); sự nghiệp giáo dục (kể cả CC-VC, lao động hợp đồng tại các trường tiểu học (trừ Trường Chuyên biệt Tương Lai), THCS (trừ Trường THCS Nguyễn Khuyến), mầm non công lập và bán công; sự nghiệp y tế (trừ đội y tế dự phòng, đội chăm sóc sức khỏe sinh sản huyện Hòa Vang và quận Cẩm Lệ); các trạm y tế thuộc huyện Hòa Vang và quận Cẩm Lệ; sự nghiệp văn hóa và thông tin, sự nghiệp truyền thanh và các sự nghiệp khác được hỗ trợ 400.000 đồng/người.

Cấp phường, xã: Các đối tượng là cán bộ phường, xã đã nghỉ việc theo QĐ số 130-CP ngày 20-6-1975, QĐ số 111-HĐBT ngày 13-10-1981 được hỗ trợ 400.000 đồng/người. Cán bộ chuyên trách, công chức, cán bộ không chuyên trách, lao động hợp đồng, sinh viên khá, giỏi được hỗ trợ 300.000 đồng/người. Cấp dưới phường, xã (tổ dân phố, thôn): Bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố, trưởng thôn đương chức được trợ cấp 300.000 đồng/người. Phó Bí thư, tổ phó dân phố, thôn phó đương chức, trưởng ban công tác Mặt trận tổ dân phố, thôn đương chức được hỗ trợ 250.000 đồng/người; chi hội trưởng các chi hội phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh, bí thư chi đoàn thanh niên được hỗ trợ 200.000 đồng/người. Các đối tượng là cán bộ hưu trí (kể cả cán bộ phường xã, nghỉ hưu theo Nghị định 09/1998/NĐ-CP, mất sức lao động đang hưởng chế độ bảo hiểm xã hội (kể cả mất sức lao động theo QĐ số 91/2000/QĐ-TTg) được hỗ trợ 600.000 đồng/người; công nhân, viên chức nghỉ việc do tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp đang hưởng lương hưu, trợ cấp do BHXH chi trả được hỗ trợ 400.000 đồng/ người.

Đây là một trong nhiều nhóm đối tượng xã hội đang gặp khó khăn trong đời sống. Dù vẫn biết Đà Nẵng là thành phố đi đầu cả nước trong việc đãi ngộ về phụ cấp cho các đối tượng không hưởng lương ở cấp xã, phường và tổ dân phố, thôn. Tuy vậy, mức thu nhập của những đối tượng này chưa đủ nuôi sống bản thân họ. Cấp xã, phường, tổ dân phố, thôn..., là “túi” đựng chính sách. Hằng ngày họ phải giải quyết một khối lượng công việc nhiều, nhưng thu nhập chưa tương xứng với công sức mà họ cống hiến. Tình trạng “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” tồn tại hàng bao đời nay vẫn chưa được thay đổi một cách cơ bản. “Gạo tháng giêng, tiền tháng chạp”, dù nhu cầu chi tiêu trong dịp Tết rất lớn, nhưng thành phố vẫn dành hàng chục tỷ đồng để hỗ trợ Tết cho các đối tượng cán bộ, công chức... quận-huyện, phường-xã, tổ dân phố, thôn, các đối tượng trong hệ thống chính trị cơ sở là một nỗ lực không nhỏ. Cùng với việc hỗ trợ các đối tượng chính sách, khó khăn, thành phố còn quan tâm chuyện lo Tết của tất cả các đối tượng khác trong xã hội.

Đã nhiều năm nay, mọi cư dân thành phố đều được tiếp cận với chính sách an dân, dù họ là người mới “chân ướt chân ráo” đến Đà Nẵng mưu sinh, những người đang nằm trên gường bệnh, chị bán hàng rong, người đạp xe thồ nghèo khó và cả những người đang thụ án.

Chưa thể lo cho mọi gia đình có một cái Tết sung túc, nhưng chí ít tất cả mọi gia đình trên địa bàn Đà Nẵng đều đủ tiền sắm mâm cỗ Tết, hương khói cho ông bà. Thêm năm nay, mọi tầng lớp nhân dân đã tiếp cận, thụ hưởng chính sách an sinh xã hội.

Chợt nhớ câu thơ của một nhà thơ Trung Quốc “Pháo nổ giòn tan mừng Xuân mới/ Tuyết rơi lạnh lẽo phủ đời tàn” để nhận thấy ý nghĩa sâu sắc mà những gì thành phố non trẻ đã mang lại cho dân.

QUÝ LÂM

;
.
.
.
.
.