.

Không tự bằng lòng với mình

Thủ tục hành chính thông thoáng là một trong những yếu tố quan trọng góp phần cải thiện môi trường đầu tư, đưa Đà Nẵng đứng đầu bảng xếp hạng trong cả nước về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh hai năm liên tiếp.

Đó là kết quả của công cuộc cải cách hành chính mà thành phố triển khai quyết liệt trong nhiều năm qua.

Tuy vậy, ngày 20-1, nghĩa là 1 tuần sau khi VCCI công bố kết quả điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Tổ công tác thực hiện Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính tổ chức lấy ý kiến các cơ quan hữu quan nhằm tiếp tục đơn giản hơn nữa thủ tục này trong quan hệ với doanh nghiệp. Điều đó cho thấy quyết tâm của thành phố trong việc thực hiện mục tiêu tạo môi trường tốt nhất cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

 Việc làm này là cần thiết, vì dù thủ tục hành chính ở Đà Nẵng đã tốt hơn nhiều tỉnh, thành phố khác, nhưng vẫn còn nhiều lời phàn nàn từ các doanh nghiệp. Đà Nẵng chiếm nhiều ưu thế về các chỉ số cạnh tranh  như kết cấu hạ tầng hoàn thiện, vị trí địa lý kinh tế, công nghệ thông tin, các ngành du lịch-dịch vụ phát triển mạnh mẽ… nhưng nhiều chỉ số vẫn ở vị trí thấp. Cụ thể, nhiều nhà đầu tư chưa hài lòng về tiếp cận đất đai và tính ổn định trong sử dụng đất. Về thủ tục hành chính, tuy Đà Nẵng đứng thứ hạng cao, nhưng nhiều nhà đầu tư bày tỏ sự không hài lòng vì chi phí không chính thức vẫn còn cao. Thời gian để hoàn thành một thủ tục còn dài. Một số doanh nghiệp cho biết, vẫn còn xảy ra tình trạng nếu họ cần giấy phép sớm hơn năm - ba ngày vẫn được, nếu đáp ứng các điều kiện mà người thực thi công vụ yêu cầu.

Hoạt động đầu tư vào Đà Nẵng được giao cho 3 cơ quan đảm trách: Đầu tư nước ngoài được giao cho Trung tâm Xúc tiến đầu tư, các nhà đầu tư trong nước trực tiếp làm thủ tục tại Sở Kế hoạch - Đầu tư và hoạt động đầu tư vào các khu chế xuất, khu công nghiệp qua cửa Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất. Các nhà đầu tư căn cứ vào nhóm của mình, làm thủ tục thông qua tổ một cửa liên thông tại các cơ quan đó. Bộ máy vận hành đã thông suốt hơn rất nhiều so với trước. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thủ tục, điều kiện “hành” doanh nghiệp. Đề nghị của các Sở Kế hoạch-Đầu tư, Sở Công thương, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, cần bãi bỏ khoảng 30% số thủ tục hiện hành. Cùng với việc rà soát lại các thủ tục, điều kiện liên quan đến khâu cấp phép đầu tư, thành phố cần quan tâm hơn đến các biện pháp nhằm nâng cao phẩm chất, thái độ của những người thi hành công vụ.

Đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp hoạt động, nhưng quá trình này cũng phải bảo đảm tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động sản xuất kinh doanh. Thực tế, quy trình cấp phép đã thông thoáng nhưng công tác hậu kiểm xuất hiện những bất cập. Việc các nhà đầu tư triển khai dự án như thế nào, có đúng với nội dung giấy phép hay không, tiến độ ra sao… vẫn chưa được cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ.

Đó là một trong những nguyên nhân giải thích tình trạng có một tỷ lệ khá lớn doanh nghiệp đăng ký thành lập, nhưng không đi vào hoạt động vẫn không được cơ quan chức năng biết đến. Kể cả con số 20% số doanh nghiệp không hoạt động cũng chỉ là con số ước lượng, bởi 3 cơ quan hữu trách là: Sở Kế hoạch Đầu tư, Cục Thuế, Cục Thống kê đưa ra con số không giống nhau (!)…

Những bất cập về thủ tục hành chính được các thành viên trong Tổ công tác phân tích, trao đổi trên các giác độ tính cấp thiết, tính hợp pháp và  tính phù hợp với thực tiễn. Chúng tôi ghi nhận từ cuộc thảo luận này ý thức trách nhiệm cao và thái độ cầu thị vì một môi trường đầu tư lành mạnh của thành phố.
Không tự bằng lòng với mình, đó là cách ứng xử  của sự phát triển.

QUÝ LÂM

;
.
.
.
.
.