Năm nào cũng thế, tình trạng xe dù, bến cóc hành hạ, “chặt chém” hành khách đi lại trong dịp Tết đã trở thành vấn nạn.
Nhu cầu đi lại tăng vào những ngày năm hết Tết đến là chuyện đương nhiên. Đây là dịp để “nhà xe” có cơ hội “một ngày Tết hơn mệt cả năm”. Có nghĩa là nhà xe mặc sức tung hoành chuyện tăng giá, chở thêm người, chèn ép khách đường xa. Càng xa càng đau, càng tốn kém.
Chuyện của khách đường xa như thế, những ai ở xa quê đều biết. Chỉ có điều, dù các cơ quan chức năng hiểu rõ nhưng không có biện pháp quyết liệt ngăn chặn các tệ nạn này để cho người dân được nhờ. Có muôn vàn cảnh huống chướng tai gai mắt chọc thủng và vét hết túi tiền của người đi đường - nhất là những người ít khi có dịp đi lại trên đường.
Trước hết là nạn cò. Cò có đủ loại. Chỉ cần chỉ trỏ, chẳng mất công tốn sức gì cũng bắt nhà xe chung chi 5.000–10.000 đồng/khách, tùy theo cung đường gần hay xa. Tất nhiên, chẳng có nhà xe nào “nhân đức” đến nỗi bỏ tiền túi ra mà sẽ lấy “mỡ nó rán nó” – khách phải chịu thêm tiền.
Vấn nạn thứ hai là trật tự an toàn giao thông dịp Tết trở nên hỗn loạn vì đủ kiểu xe dù, bến cóc. Giành giật khách bằng cách lôi người này, xúc phạm người kia là chuyện cơm bữa. Có khi khách sợ đến mức phải bỏ chạy mà cũng không thoát vì cái lệ, cái tục của giới giang hồ bất thành văn nhưng rõ ràng và đủ nghĩa lắm. Nhìn xa hơn, một thành phố văn minh, lịch sự; muốn thu hút khách du lịch bằng cách mời chào ngày càng nhiều những người ở nơi xa đến trú đông, tránh nắng; không thể nào để tiếp diễn cảnh tranh giành thiếu văn hóa như thế. Nó tệ hơn cả chuyện người ăn xin, thậm chí, dưới những góc nhìn cụ thể là sự cướp giật, hành hung.
Kéo theo chuyện cò, chuyện xe dù, bến cóc là các loại trộm ngày, trộm đêm, các loại hàng quán ăn xổi ở thì. Tội vạ tất nhiên chỉ những người ít tiền là chịu hết. Sự an toàn, bình an và niềm vui được về thăm quê, gặp gỡ người thân đã bị bao nhiêu nỗi đau, nỗi buồn của những chuyến xe bão táp dày vò, bức bối. Đó là chưa nói chuyện có khi tiền mất tật mang, đem tay không về ăn Tết!
Điều đáng lo, đáng phải trăn trở là những người thi hành công vụ, có trách nhiệm rõ ràng chỉ chạy xe lòng vòng cho có lệ, còn phần lớn là không thấy, không biết?
Đà Nẵng nổi tiếng bởi thương hiệu “Thành phố 5 không, 3 có”. Những tiếng thơm vang xa và đầy tự hào đó không dễ gì có được. Thế nhưng, tất cả những gì thành phố gầy dựng được chưa đủ để làm cho thành phố xanh hơn, đẹp hơn và quyến rũ hơn. Chúng ta phải nhìn xa hơn thế và ước vọng nhiều hơn thế. Sự lành mạnh của môi trường xã hội, sự an toàn và niềm vui khi đến, khi đi, khi chỉ chợt ngang qua là những điều chỉ có được trên nền tảng của một nền văn minh đô thị kiểu mẫu. Tại sao khó nhất trên đời là sự trong sạch của môi trường kinh doanh và không có nạn ăn xin, chúng ta đã làm được mà nạn xe dù, bến cóc lại không? Hãy tin rằng một sự trong lành và yên ổn của “khách đường xa” là sự quảng bá tốt đẹp nhất về một “thành phố của những ước mơ”. Vâng, tôi rất muốn tin và khẳng định niềm tin ấy rằng Đà Nẵng sẽ là thành phố của những giấc mơ!
HÀ VĂN THỊNH
.
.
Nỗi lòng khách đường xa
Thứ Năm, 21/01/2010, 14:13 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.