.

Phải xuống hiện trường

Ngày 12-1-2010, trong buổi làm việc với Sở Tài nguyên-Môi trường thành phố Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh đã chỉ thị phải chấm dứt tình trạng cán bộ “hô xung phong rồi để đó”. Vì thế, bao nhiêu năm nay, môi trường cứ nói còn ô nhiễm vẫn cứ tiếp tục sai phạm…

Đồng chí Bí thư Thành ủy yêu cầu lãnh đạo Sở Tài nguyên-Môi truờng “phải xắn quần lội xuống hiện trường để ghi nhận, bàn cách xử lý. Chấm dứt chuyện hô hào nhưng không làm dẫn đến công tác triển khai ngưng trệ, kém hiệu quả. Phải có sự phân công, phối hợp, không đùn đẩy trách nhiệm. Công tác thanh tra, kiểm tra phải sắc sảo để làm rõ nguyên nhân thực trạng nhưng tránh thanh tra, kiểm tra tràn lan” (Vietnam Net, 13-1-2010).

Dẫn chứng cụ thể, đồng chí Bí thư Thành ủy đòi hỏi trong thời gian sớm nhất, phải tập trung xử lý dứt điểm các điểm nóng ô nhiễm môi trường như Trạm xử lý nước thải Hòa Cường, bãi rác Khánh Sơn, cũng như Âu thuyền Thọ Quang. Đặc biệt, liên quan đến chuyện đất đai, Bí thư Thành ủy chỉ thị phải giải quyết dứt điểm vấn đề cấp đất, thu hồi đất trong 6 tháng đầu năm 2010, kể cả đất quốc phòng!...

Rõ ràng, việc thực hiện công tác kiểm tra, giám sát tình hình môi trường-đất đai như lâu nay trên cả nước ta là một trong những ngành mà sự quan liêu, thiếu sâu sát đã để lại rất nhiều những hậu quả đáng buồn - điển hình là vụ Vedan, vụ hạt nix ở Khánh Hòa. Thấy rõ được điều bất cập ấy, ngay trong những ngày đầu năm mới, đích thân Bí thư Thành ủy đã đến tận nơi để chỉ đạo một cách sâu sát. Biện pháp đó là sự cần thiết để tạo nên một bước chuyển biến mạnh mẽ trong lĩnh vực môi trường và đất đai.

Nói đến môi trường không chỉ là chuyện rác thải hay ô nhiễm mà còn phải hiểu rằng môi truờng xã hội - sự đồng thuận của lòng dân, sự ổn định xã hội, sự giảm bớt các dự án treo cũng như tình trạng giấy tờ, thủ tục phiền hà là những vấn đề hết sức quan trọng.

Tính quan liêu, bệnh giấy tờ là căn bệnh có từ thời bao cấp theo cách mà Bác Hồ đã nói: “Nhiều cán bộ thích chỉ tay năm ngón”. Để khắc phục tình trạng đó, Thành ủy Đà Nẵng đã chỉ đạo rõ ràng về biện pháp và thời hạn. Hoàn thành công việc được giao “trong 6 tháng đầu năm” thể hiện tính quyết liệt, dứt khoát của cách thức mới làm việc mới. Cũng tương tự như thế, nếu kiểm tra môi trường mà chỉ ngồi bàn giấy, không hiểu được thực trạng cụ thể rằng ô nhiễm đến mức nào, rằng cần huy động những gì để ngăn chặn, giải quyết… “Xắn quần, lội ruộng” có nghĩa là trực tiếp làm ngay những việc cần làm.

Đà Nẵng đang trở thành một trong những địa phương đi đầu trong việc khước từ cách thức chung chung theo lối “làm cái gì đó”. Chừng nào mà mọi sự điều hành còn diễn ra theo kiểu tương tự như thế, chừng đó vẫn còn trì trệ, tốn kém, phiền hà. Tin tưởng rằng, với sự thay đổi mạnh mẽ về nguyên tắc và lề lối làm việc, Đà Nẵng sẽ phát triển nhanh hơn, môi trường ngày càng xanh và sạch đẹp hơn…

ĐINH THIỆN


;
.
.
.
.
.