Trước khi kết thúc nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN, Thủ tướng Thái Lan Abhisit đã phát biểu: “Mặc dù toàn khối ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm. Hầu hết mọi công dân của mỗi nước trong khu vực vẫn còn nghĩ rằng quá trình hội nhập đang còn lâu dài phía trước và nếu không có sự tham gia của lĩnh vực tư nhân vào quá trình này thì con đường hãy còn xa...”.
Nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Thái Lan vừa qua, như thừa nhận của người đứng đầu nước này, là đã không thể chế được những cam kết pháp lý của Hiến chương ASEAN đã được thông qua trước đó vì “phải mất nhiều thời gian để giải quyết những rối ren nội bộ” và “Việt Nam sẽ đóng tiếp vai trò Chủ tịch của mình từ năm 2010, các nước thành viên cần phải tập trung tất cả sức lực có thể để hỗ trợ nước chủ tịch mới đẩy nhanh các tiến trình, nhưng cộng đồng ASEAN cần phải điều chỉnh các điều kiện thực tại để thích nghi với những thay đổi trên thế giới nhằm duy trì sự phát triển và thịnh vượng...”.
Việt Nam giữ cương vị Chủ tịch ASEAN 2010, sau nhiệm kỳ của Thái Lan với quyết tâm tạo được dấu ấn riêng nhân dịp kỷ niệm 15 năm là thành viên của Hiệp hội. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, vì vậy đã gửi đi thông điệp mạnh mẽ: Việt Nam đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN khi Hiệp hội đang chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, năm bản lề của 5 năm hướng tới Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Hiến chương và Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN đã được Lãnh đạo các nước ASEAN nhất trí thông qua chính là tầm nhìn và khuôn khổ hành động cho ASEAN với mục tiêu bao trùm là xây dựng Cộng đồng ASEAN dựa trên 3 trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội và đưa Hiến chương ASEAN thực sự đi vào cuộc sống. Chính vì lẽ đó, các nước trong Hiệp hội đã nhất trí cao với Việt Nam chọn Chủ đề cho năm Chủ tịch ASEAN 2010 là:“Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn tới hành động”. Đây sẽ là chủ trương xuyên suốt của ASEAN trong năm 2010.
Xuất phát từ định hướng đó, trọng tâm và ưu tiên của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2010 sẽ là: tăng cường đoàn kết và liên kết ASEAN; thực hiện có hiệu quả Hiến chương và Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN; mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác giữa ASEAN với các bên đối tác; đồng thời, tích cực quảng bá và nâng cao vai trò, vị thế quốc tế của Hiệp hội. Chúng ta cũng sẽ tích cực thúc đẩy hợp tác hơn nữa trong ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác nhằm đối phó với những thách thức toàn cầu như khủng hoảng kinh tế-tài chính, an ninh lương thực và năng lượng, biến đổi khí hậu, thiên tai và dịch bệnh...”.
TP. Đà Nẵng được chọn là nơi mở màn cho hàng loạt sự kiện quan trọng của năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN, đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo sự kiện ASEAN 2010, do ông Văn Hữu Chiến, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố làm Trưởng ban. Theo đó, Ban này sẽ phối hợp tích cực với Bộ Ngoại giao triển khai công tác tuyên truyền, lễ tân, an ninh, y tế, vật chất, hậu cần để tổ chức thành công các hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN tại Đà Nẵng. Trong hai ngày 13 - 14-1 này, Đà Nẵng vinh dự là nơi diễn ra 3 Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN, gồm: Hội nghị lần thứ 3 của Hội đồng Chính trị An ninh (APCS), Hội nghị Hội đồng điều phối ASEAN (ACC) và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM Retreat) do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm chủ trì. Với nhiệm vụ “mở màn” thực hiện phương châm tổng quát “Hướng tới cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn đến hành động”, “Ưu tiên tăng cường đoàn kết và liên kết ASEAN” của nước ta, TP. Đà Nẵng đưa ra cam kết “trọng thị, chu đáo, an toàn, tiết kiệm và phù hợp với thông lệ ASEAN”.
Đà Nẵng có một vị trí địa-chính trị khá quan trọng trong toàn khối. Là cửa ngõ giao thương thuận lợi trong toàn khối về cả đường biển, đường hàng không và đường bộ; đặc biệt đây vừa là cửa ngõ quan trọng nhìn ra biển Đông, đường giao thương năng động của Thái Bình Dương và là điểm đầu quan trọng của Hành lang kinh tế Đông Tây gắn liền với tương lai cùng sự thịnh vượng của một nửa trong tổng số các thành viên của khối. Việc Chủ tịch ASEAN 2010 chọn lựa Đà Nẵng để tổ chức 3 hội nghị quan trọng về an ninh chính trị, ngoại giao và điều phối rõ ràng đánh giá rất cao đặc điểm địa-chính trị của thành phố này như một thông điệp quan trọng trong nội khối cũng như đối với các đối tác ASEAN + 3, ASEAN+6 trong quá trình mở rộng hội nhập và liên kết trong tương lai. Cũng chính vì lẽ đó, ngày hôm qua, 7/10 Bộ trưởng Ngoại giao và Tổng Thư ký ASEAN đã chọn đường bộ Liên Á từ Thái Lan sang Lào và qua cửa khẩu Lao Bảo để đến Việt Nam tham dự các kỳ họp đầu tiên của ASEAN 2010.
Ông Abhisit từng nhấn mạnh là toàn khối phải “điều chỉnh các điều kiện thực tại để thích nghi với những thay đổi trên thế giới nhằm duy trì sự phát triển và thịnh vượng...” hoặc “làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác giữa ASEAN với các bên đối tác” như phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là có ý nghĩa như vậy. Và người Đà Nẵng càng hãnh diện là những công dân ASEAN đứng ra tiếp đón những bạn bè đại diện của toàn khối.
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG
.
.
Thông điệp từ Đà Nẵng
Thứ Năm, 14/01/2010, 08:11 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.