.

Thưởng Tết: “Người ăn không hết, kẻ lần không ra”

Năm nay là năm đầu tiên cả 63 tỉnh, thành đều có báo cáo về vấn đề thưởng Tết. Bất ngờ nhất là nhiều doanh nghiệp Nhà nước có mức thưởng cao hơn các doanh nghiệp tư nhân (cao nhất là 99,7 triệu đồng). Nhưng trong niềm vui của rất nhiều người thì cũng có vô số những nỗi buồn: Có doanh nghiệp dân doanh ở Đà Nẵng  mức thưởng chỉ 71.000 đồng, có doanh nghiệp chỉ thưởng Tết cho người lao động số tiền mua được… 3 lạng thịt bò (30.000 đồng), thậm chí nhiều doanh nghiệp không có tiền để thưởng.

Địa phương có mức thưởng cao nhất là tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, với mức trung bình là 4,3 triệu đồng. Tiếp đó là Khánh Hòa, 3,6 triệu; TP. Hồ Chí Minh 3,5 triệu; Đà Nẵng, 2,5 triệu và Hà Nội là 2,3 triệu đồng/người. Đặc biệt, một doanh nghiệp có vốn FDI mức thưởng Tết với mức kỷ lục là 389 triệu đồng(!).

Những con số thống kê khái lược trên đây cho thấy rất nhiều điều. Thưởng Tết nhiều, trước hết chứng tỏ rằng doanh nghiệp ăn nên làm ra. Thế nhưng, cũng có một thắc mắc: Tại sao báo chí đưa tin 70% doanh nghiệp Nhà nước làm ăn thua lỗ hoặc không có lãi mà mức thưởng Tết lại cao đến như thế? Phải chăng đã có những khoản Quỹ không chính thức (chưa dám gọi là quỹ đen) bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp lớn và các doanh nghiệp nhỏ?

Thời buổi kinh tế thị trường nên cứ nhìn vào bảng công bố thưởng Tết thì biết ngay tình trạng tài chính, chỗ làm của người lao động ra sao. Rất nhiều địa phương có mức thưởng Tết (tương đương với mức lương thấp nhất trong các doanh nghiệp Nhà nước do địa phương quản lý) thấp đến ngỡ ngàng như Bắc Kạn, Lai Châu, Quảng Ninh, Hòa Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thừa Thiên- Huế, Quảng Ngãi, Gia Lai, Tây Ninh (Theo báo Tổ Quốc – báo điện tử của Bộ VH-TT-DL, 9-1-2010).

Theo bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Tiền lương - Tiền công, Bộ LĐ-TB-XH thì so với năm 2008, tiền lương bình quân của người lao động năm 2009 tăng 10,8%, ước đạt 2,8 triệu đồng/người/tháng. Thế nhưng đó chỉ là “trung bình” số học chứ không phải là trung bình thực tế, bởi nếu chia trung bình thì ai cũng có một con gà/bữa ăn/tuần; nhưng chỉ một người ăn còn 6 người đứng nhìn!

Chuyện thưởng Tết còn là nỗi ngậm ngùi thường xuyên của… giáo viên! Cũng là cán bộ, viên chức Nhà nước, làm việc quần quật quanh năm suốt tháng nhưng chẳng bao giờ được thưởng dù chỉ chút ít gọi là. Tại sao Bộ GD-ĐT không để riêng ra một khoản chi để thưởng Tết động viên các nhà giáo? Cách đây mấy năm, trên báo Phụ nữ Việt Nam, người viết bài này đã đăng tải thông tin về chi phí cho dự án cải cách giáo dục, lương bình quân của những người tham gia dự án là 11.000 USD/tháng(!) Nói thế để thấy Bộ chủ quản không hề thiếu tiền. Mặt khác, nếu cứ phân biệt đối xử giữa công chức này và công chức kia thì đến bao giờ mới thiết lập được sự bình đẳng theo đúng nghĩa của nó? Cùng với giáo viên, nhân viên hành chính, nhân viên y tế…, hầu hết cũng chẳng được thưởng Tết bao giờ. Chợt nhớ, thành phố Đà Nẵng năm nào cũng “thưởng” (quà) Tết cho anh em xe thồ, cho dù họ chẳng có biên chế ở bất kỳ cơ quan Nhà nước nào…

Đà Nẵng là một trong 5 địa phương có mức thưởng Tết cao nhất nước là tín hiệu rất đáng mừng. Điều đó nói lên rằng nền kinh tế đang khởi sắc thật sự. Sự nỗ lực của tất cả mọi người đã đem đến niềm vui rất đáng tự hào ấy. Ít nhất, mức thưởng trung bình cao hơn Hà Nội là một con số đáng trân trọng và nhiều ý nghĩa.

Dù sao, đa số người lao động trên cả nước được thưởng Tết cũng là một điều đáng mừng. Chỉ mong sự bất cập, chênh lệch về tiền thưởng trong các doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước ít hơn, sự tương đồng của mưa đều thấm đất – ai cũng có phần, sẽ làm cho niềm vui trọn vẹn hơn. Nếu không, chuyện một người về đỉnh cao, một người về vực sâu trong chuyện thu nhập vẫn là sự ám ảnh nhiều trăn trở…

TÔ VĨNH HÀ 

;
.
.
.
.
.