.

Xin cảm ơn Đại học Đà Nẵng!

Trong nhiều năm qua, Đại học Đà Nẵng đã thực hiện mô hình liên kết với các doanh nghiệp để sau khi ra trường, 50% sinh viên có ngay việc làm vì họ được “gả” lập tức cho những doanh nghiệp đã đặt hàng và tài trợ trước đó.

Chỉ riêng Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, hằng năm có khoảng  2.000 sinh viên ra trường - tức là 1.000 sinh viên được thu nhận. Đây quả là con số thực sự ấn tượng. Thời buổi xin được việc làm còn khó hơn cả tìm đường lên trời mà ĐH Đà Nẵng làm được và làm giỏi như thế là rất đáng trân trọng.

Tất nhiên, kết quả đó là sự phấn đấu, liên kết suốt một quá trình tìm kiếm, trăn trở và làm việc thật sự khoa học. Theo PGS -TS Trần Văn Nam, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng thì nhà trường liên kết với nhiều công ty trong và ngoài nước để gửi sinh viên thực tập và làm việc. Thậm chí, nhà trường đã mở riêng một trung tâm hỗ trợ sinh viên để giúp doanh nghiệp tìm kiếm nhân lực và giúp sinh viên có cơ hội việc làm.

Thế nhưng, điều quan trọng nhất, quyết định nhất chính là chất lượng đào tạo. Không hề ngẫu nhiên khi 90% kỹ sư hóa dầu ở Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là cựu sinh viên Đại học Đà Nẵng. Riêng Tập đoàn nổi tiếng Intel, năm nào cũng tìm đến Đà Nẵng để tuyển nhân viên… Như vậy là, cái tâm sáng của người thầy, tầm nhìn xa của lãnh đạo và sự nỗ lực học tập của sinh viên đã đem đến những kết quả thật đáng khích lệ.

Là một đồng nghiệp, người viết bài này thực sự cảm phục các thầy giáo, cô giáo ở Đại học Đà Nẵng. Hằng năm, tôi nhận được rất nhiều tin nhắn, những cuộc gọi với những nghẹn ngào, tức tưởi. Chẳng hạn như “Họ đòi 50 triệu thì theo thầy thế nào ạ?”; “Em không kiếm đủ tiền để chung cho họ nên thất nghiệp thầy ơi”… Những sự trao đổi của thầy trò về những điều xót xa ấy là mặt trái không hề ít của xã hội. Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng, chỉ riêng việc lo cho một nửa sinh viên có công ăn việc làm sau khi ra trường là một thành tựu phi thường. Ước ao nhiều trường đại học trên đất nước ta làm được như Đại học Đà Nẵng thì quý biết chừng nào! Hãy thử hình dung những sinh viên nghèo, học khá giỏi nhưng không đủ tiền chung chi phải đi bán cà-phê, thậm chí dưới bóng đèn mờ thì mới hiểu hết ý nghĩa, công sức mà những người thầy ở Đại học Đà Nẵng đã làm được.

Bên cạnh những mặt tích cực trên đây, cũng có đôi tiếng phàn nàn. Chẳng hạn một số sinh viên cho rằng doanh nghiệp sau khi nhận về đã ràng buộc họ rất chặt, muốn đi cũng không được mà ở cũng không xong. Mặt khác, mức lương mà các doanh nghiệp trả cho những sinh viên được “sản xuất theo đơn đặt hàng” thường thấp hơn các nơi khác nếu so sánh cùng chủng loại nghề nghiệp, việc làm… Đây là điều mà Đại học Đà Nẵng nên lưu ý để cho sự nghiệp của mình được hiệu quả và tốt đẹp hơn.

Dù vẫn còn những khen chê - bởi lẽ đời bao giờ cũng vậy, Đại học Đà Nẵng xứng đáng nhận được sự trân trọng của toàn xã hội. Giải quyết việc làm cho sinh viên không chỉ có tác dụng thúc đẩy sự hăng say học tập mà còn góp phần làm cho xã hội ổn định. Nhất là, rất nhiều những con người giỏi giang nhưng nghèo khó đã được đổi đời… Đây mới thực sự là điều vô giá. Một lần nữa, xin được cảm ơn Đại học Đà Nẵng.

Hà Văn Thịnh

;
.
.
.
.
.