Bước vào năm mới Canh Dần, Đà Nẵng sẽ có một năm dồn dập nhiều lễ hội. Lễ hội mang tính tín ngưỡng truyền thống, các liên hoan văn hóa, nghệ thuật, thể thao đương đại liên quan đến kỷ niệm 35 năm giải phóng hoặc có ý nghĩa quốc gia và quốc tế...
Có thể kể ra: Bắt đầu là các lễ hội đình làng Túy Loan, Bồ Bản...; lễ hội Quán Thế Âm và tiếp theo là Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế Huyền thoại Sông Hàn cùng những hoạt động kéo dài trong dịp kỷ niệm 35 năm giải phóng thành phố, giải phóng miền Nam; nhiều hoạt động du lịch vào mùa hè; và Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ 6. Nếu tổ chức thêm một lễ hội kỷ niệm 150 năm Đà Nẵng chiến thắng liên quân Pháp-Y Pha Nho (1860) trong năm nay, cùng với việc giới thiệu các di tích lịch sử Đà Nẵng liên quan thì năm 2010 này sẽ trở thành một năm ấn tượng...
Lễ hội văn hóa và các hoạt động nêu trên chính là mảnh đất màu cho phát triển du lịch nếu biết cách tổ chức, tiếp thị. Sự kiện cả Furama Resort và Bà Na-Suối Mơ đưa chợ quê vào hoạt động trong dịp Tết là một ví dụ. Bởi chính sắc thái văn hóa đặc trưng sẽ làm nổi bật những giá trị truyền thống của một vùng đất trước làn sóng du khách đang hướng về Việt Nam. Sự kiện hơn 70 ngàn du khách đến thăm và lưu trú tại Đà Nẵng trong dịp Tết cổ truyền vừa qua - trên cơ sở Đà Nẵng tổ chức các đường phố hoa, khu trưng bày tượng nghệ thuật đá, mở cửa Bảo tàng Điêu khắc Chăm, mở thêm các siêu thị lớn cho du khách mua sắm, Công viên 29-3 có nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn hơn... - chứng minh rằng “ngôi nhà Đà Nẵng” đang nóng lòng chào đón du khách và cũng là một bệ phóng cho niềm tin vào một năm mới phát triển!
Tuy vậy, con số du khách đến mỗi năm chỉ dừng ở mức 2 triệu người và số ngày lưu trú hiện nay là còn quá thấp. Thành phố San Francisco (Mỹ) có dân số tương đương Đà Nẵng, nhưng lượng du khách đến đó hằng năm lại gấp 10 lần, Hong Kong có diện tích hơn 1.100 km2 (gần bằng Đà Nẵng) với 7,5 triệu dân trong năm 2009 cũng thu hút đến 18 triệu du khách, tuy bị tác động mạnh bởi dịch cúm A/H1N1. Đó là những con số cần được xem để so sánh và phấn đấu!
Những nhà đầu tư trong lĩnh vực du lịch tại Đà Nẵng và Quảng Nam trong năm qua (theo Sở VHTT-DL Đà Nẵng, bao gồm Furama Resort, Sandy Beach Resort, Green Plaza Hotel, Indochina Capital, Indochina Land, VinaCapital/Vinaland, Indochina Riverside Tower, Hyatt Regency Danang, Sovico Holdings, The Nam Hai, Montgomerie Links, Accor Hotel Group, Victoria Hoi An Resort, Pilgrimage Village, Hoian Riverside Resort & Spa, Swiss – Belhotel Golden San Resort & Spa, Hoian Beach/ Hoi An Hotel...) đã cùng ký thư chung gửi Thủ tướng Chính phủ, đề nghị hỗ trợ một kế hoạch nhằm thu hút thêm nhiều chuyến bay, đường bay quốc tế trực tiếp đến Đà Nẵng từ những thành phố trọng điểm du lịch trong khu vực như Hong Kong, Tokyo và Seoul; chấp thuận việc thiết lập sân bay quốc tế Đà Nẵng là một sân bay được cấp visa lần đầu của Việt Nam; yêu cầu tạm thời hủy bỏ hoặc giảm chi phí hạ cánh và các chi phí khác có liên quan đối với tất cả các đường bay quốc tế đến Đà Nẵng; đề nghị Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam và Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đầu tư xây dựng và hỗ trợ kế hoạch tiếp thị, quảng bá thương hiệu điểm đến cho khu vực bờ biển miền Trung... Đề nghị này thể hiện một bức xúc có thật vì du khách đường biển, đường bộ liên Á tuy đã tăng lên, nhưng để có một lượng du khách mới từ các trung tâm lớn tăng lên, thì đường hàng không là một ưu thế, trong lúc sân bay quốc tế Đà Nẵng vẫn còn quá nhiều lãng phí về năng lực lẫn hạ tầng.
Chúng ta coi những nhà đầu tư như những “người nhà”, thì những kiến nghị trên với Chính phủ cũng chính là kiến nghị của mình. Nhưng đó mới là điều kiện cần mà chưa đủ. Nhiều chuyến bay, chuyến tàu thủy du lịch, các đoàn caravan nếu chỉ đưa du khách đến một lần trong vài ngày và... không trở lại thì lại càng nguy hiểm hơn! Muốn tránh được hình ảnh ảm đạm đó, thì chính tổ chức, kết nối, quảng bá, phối hợp để cùng đưa các lễ hội văn hóa, tín ngưỡng, lịch sử và các liên hoan nghệ thuật, thể thao lên một cấp độ mới để hấp dẫn hơn nữa với du khách.
Hình ảnh 100 cổ động viên của đội bóng Muang Thong United đến sân Chi Lăng hồi trước Tết, tuy còn rất khiêm tốn, nhưng là một ví dụ sinh động về thông tin, kết nối và cả sức hút của bản sắc (thể thao) Đà Nẵng trong du lịch.
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG
.
.
Du lịch và lễ hội
Thứ Tư, 24/02/2010, 07:38 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.