.

Giải tỏa, đền bù, tái định cư và an sinh xã hội

Giao ban khối Đảng và đoàn thể đầu năm Canh Dần (22-2-2010), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đã nhấn mạnh rằng, chủ trương lớn của Đảng bộ và chính quyền thành phố là đặt trọng tâm coi năm 2010 là “Năm giải tỏa đền bù, tái định cư và an sinh xã hội” (GTĐBASXH).

Nói như thế có nghĩa là hiện nay - dù vẫn dẫn đầu cả nước về thời gian, chất lượng trong công tác GTĐBASXH, nhưng thành phố vẫn còn nhiều vướng mắc ở một số khu giải tỏa đền bù về những điều chưa thống nhất giữa quan điểm của chính quyền và người dân.

Trước hết, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng việc giải tỏa đền bù đất đai bao giờ cũng là điều nan giải nhất, dù thuộc bất kỳ thời đại nào, bất kỳ chế độ nào. Những quyền lợi lâu dài (kể cả truyền thống canh tác, mưu sinh) và dự báo sự tăng trưởng của nó trong tương lai là điều mà chúng ta phải nhìn thấy, nhìn rõ “theo cách nghĩ của dân” như lời ông Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Văn Minh đã nói mới đây. Nếu dân chưa hiểu, chưa thông thì phải giải thích và cân bằng quyền lợi, sao cho lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể có thể trung hòa, gặp nhau tại điểm đến của toàn thể cộng đồng (cư dân toàn thành phố).

Mặt khác, những giá trị văn hóa - kể cả vấn đề mồ mả, đền chùa là những điều khó bàn nhất. Chia tay với nơi chôn nhau, cắt rốn chẳng bao giờ là điều dễ dàng. Do vậy, nếu không đến mức phải thay đổi thì những đền thờ, miếu mạo cũ không nhất thiết phải xây mới ở nơi khác. Duy trì cái cũ nhiều khi lại tạo nên nét đẹp, riêng tư, đặc biệt, của khu đô thị mới. Tại sao không thể tôn vinh giá trị văn hóa đã có bằng cách xác lập một cái mới? Mặt khác, nếu quả thực đền đài hay miếu mạo nhất thiết phải di dời thì sự bồi thường của chính quyền nhất thiết phải tương xứng ở tầm nấc của sự vô giá. “Vô giá” trong trường hợp này là sự cẩn trọng, trân trọng, chu đáo, hài hòa của lợi ích vật chất và giá trị (lợi ích) tinh thần.

Một khi vế thứ nhất của vấn đề (đền bù giải tỏa) được giải quyết thì vế thứ hai (tái định cư, an sinh xã hội) không những không dễ hơn mà còn khó hơn gấp bội phần. Chọn được một vùng đất mới tương xứng (ở mức có thể nhất) là điều khó. Khó hơn nữa là bảo đảm khả năng an sinh - sao cho, vùng định cư mới thực sự phải là vùng đất lành chim đậu. Có như thế thì việc GTĐBASXH mới thông suốt, yên bình. Những khó khăn, vất vả khi định hình một quê hương mới là điều mà tâm lý nhiều đời của người Việt vướng mắc, rất cần một sự chân tình trong cách giải trình, càng cần hơn một sự chu đáo với vẹn nghĩa thủy chung trong cách ứng xử, lo toan.

Một điều không thể không lường trước là sự phức tạp của bức tranh xã hội của nước ta hiện nay nói chung, Đà Nẵng nói riêng. Sự lợi dụng để kích động, gây xáo trộn, cản trở sự vững vàng và ổn định của Nhà nước ta hiện nay là một thực tế không thể coi thường. Những kẻ xấu muốn tạo nên cái không gian “đục nước béo cò” thời nào cũng có. Vấn đề là phải nhìn thấy rõ đâu là sự phản biện đúng, đâu là những động cơ đen tối. Sự quá tả hay quá hữu đều là điều không tốt.

Sau cùng, cái tâm sáng và sự rõ ràng minh bạch của Đà Nẵng trong những năm qua - nhất là trong hai năm liền dẫn đầu về sự minh bạch, cạnh tranh công bằng trên phạm vi cả nước là điều cần phải được giải thích rõ ràng đến tận nhà, đến tận mỗi người dân. Sự chung chung hóa, cách giải thích nửa vời luôn là nghịch nhĩ với cách nghĩ vừa cụ thể vừa thiết thực của mọi người dân. Nên nhớ rằng, Lênin thường xuyên nhắc nhở: “ Hãy để người nông dân suy nghĩ trên luống cày của họ”.

Những vướng mắc sẽ được giải quyết nếu chúng ta chung tay, góp sức, đóng góp trí tuệ cho một giải pháp hiệu quả, thiết thực, tốt lành. Tốt và lành theo nghĩa đặt lợi ích của dân luôn luôn là trước hết, trên hết. Một khi lòng Dân đã thuận thì ý Đảng, tự nó sẽ vượt qua mọi bất đồng, bất kể mọi sự chống đối thù nghịch, xấu xa...

HÀ VĂN THỊNH

;
.
.
.
.
.