.

Thành phố và những tầm cao

Đầu Xuân mới Canh Dần, báo Tuổi Trẻ có một cuộc phỏng vấn thú vị với đồng chí Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng (TT, 20-2-2010, mồng 7 Tết). Những thông tin mà Chủ tịch UBND thành phố cho bạn đọc gần xa biết, ít nhiều đã được đăng tải trên một số tờ báo. Thế nhưng, lại có khá nhiều những điều mới mẻ: “Giải mã” thành công và định hướng niềm tin trong năm mới Canh Dần là điều rất đáng để bàn luận…

Nói về việc vì sao Đà Nẵng có thể năm thứ hai liên tiếp duy trì vị trí thứ nhất trong bảng xếp loại chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh, Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh trình bày thật giản dị: “Chúng tôi (Đảng bộ và chính quyền thành phố) đã thực hiện các công việc theo quan điểm đặt mình vào vị thế của doanh nghiệp và nhà đầu tư”…, nhờ thế, “82,8% doanh nghiệp cho rằng thành phố luôn linh động trong việc giải quyết những trở ngại…, 92,34% doanh nghiệp cho rằng thành phố triển khai tốt trong khuôn khổ các quy định của trung ương”.

Chân lý quả là dễ hiểu! Dù ở đâu, thời đại nào đi nữa thì một khi những người lãnh đạo nắm quyền lực mà hiểu rõ đòi hỏi, bức xúc của người dân thì cách giải quyết vấn đề luôn nhanh chóng, thuận tiện. Đặt mình vào vị thế của người dân là điều Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở. Mọi ách tắc, phiền hà chỉ xảy ra khi chính quyền, bộ máy làm ngược lại nguyên tắc đó. Đà Nẵng đã thành công vì hiểu rõ lòng dân - ý Đảng là sự thống nhất không thể tách chia, không thể phân biệt. Thậm chí, nếu sự cửa quyền bị lạm dụng như tập tính thường trực của con người thì sự xa cách giữa dân và chính quyền còn trở nên khó hiểu hơn, nếu không muốn nói là sẽ dẫn đến sự đối đầu nhiều hệ lụy.

Trả lời câu hỏi khá khó của nhà báo về việc Đà Nẵng hiện nay đang rất thiếu cây xanh (xét về mật độ cây xanh/đầu người là thấp nhất cả nước), Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh đã không bình luận về thực tế đó nhưng khẳng định sự “sửa sai” rất thực tế rằng trong các dự án mới duyệt và sẽ duyệt, nhất định sẽ buộc chủ đầu tư để dành 20-30% không gian cho cây xanh; có nghĩa là chấm dứt tình trạng “thừa nắng, thiếu cây” hiện nay.

Một tín hiệu mới rất đáng được dư luận ghi nhận là Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh đã thấy rõ rằng “Đà Nẵng là thành phố dẫn đầu nhưng chưa phải là tốt nhất và vẫn còn các tiêu chí cần được liên tục cải thiện”. Chợt nhớ, trước Tết, nhà văn Nguyên Ngọc có nói rằng không ít các vị lãnh đạo từ ông Hồ Nghinh đến thế hệ bây giờ sợ nhất là không nhìn thấy vấn đề bởi nếu không nhìn thấy cái cần làm thì cũng đồng nghĩa với sự tụt hậu hay nói một cách mềm hơn - dẫm chân tại chỗ. Nhìn - thấy, tức là luôn biết lắng nghe và quan sát, nhận phản biện và hiểu rõ điều dân muốn, dân tin. Đây là chuyện nói ra thì dễ nhưng thực hiện lại khó vô cùng. Người xưa có nói một câu rất hay rằng “Trí giả nhược ngu” - càng học càng thấy mình còn dốt kém. Biết rõ điều đó thì chắc chắn chẳng hề kém hay tụt hậu bao giờ. Chẳng hạn, việc Đà Nẵng nhận chân được mình rằng các chỉ số như thiết chế pháp lý, tiếp cận đất đai hay chi phí không chính thức thành phố vẫn chỉ đạt ở mức trung bình, tức là biết rõ cái gót chân Achile để khắc phục, sửa đổi.

Có lẽ là lần đầu tiên người dân Đà Nẵng và dư luận cả nước được nghe sự khẳng định chính thức về mô hình của thành phố Đà Nẵng trong tương lai khi ông Trần Văn Minh thông báo rằng: “Đà Nẵng không hướng đến việc phát triển thành đô thị sầm uất như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh mà phát triển theo hướng thành phố công nghệ cao, thành phố môi trường, thành phố du lịch”.

Có thể nói đây là một định hướng đúng và đủ. Sự trượt dốc không phanh của nhiều thành phố lớn trên thế giới là bài học mà các thành phố trẻ phải ngẫm suy rõ ràng. Mặt khác, điều kiện của miền Trung và không gian phát triển nhiều giới hạn như Đà Nẵng không thể cho phép nó chạy đua về người và tốc độ mở rộng không ngừng. Đà Nẵng có bãi biển nằm trong số những bãi biển đẹp nhất thế giới, có cảng nước sâu, là vùng đô thị nằm giữa nhiều di sản văn hóa thế giới nên phát triển thành một thành phố về công nghệ cao, môi trường và du lịch là “bài toán” có nhiều lời giải phong phú nhất, đa dạng và hiệu quả nhất...

Tất nhiên, Đà Nẵng vẫn còn có rất nhiều việc phải làm. Đáng lo nhất là theo thống kê của năm 2009 thì số doanh nghiệp cho rằng chi phí không chính thức đang cản trở hoạt động kinh doanh của Đà Nẵng đã tăng đến 68,85% - so với 23,85% năm 2008(!). Hoặc một con số khác cũng rất đáng suy nghĩ: Các doanh nghiệp cho rằng để tiếp cận với với các văn bản pháp lý quy hoạch thì phải có các “mối quan hệ” - với số lượng doanh nghiệp tán thành là 47,93% so với 36,03% năm 2008…

Mặc dù có những điều phải trăn trở trên đây, Năm Mới đã đến với mọi người dân Đà Nẵng bằng những dấu ấn tốt lành: Lãnh đạo nhìn và thấy đủ vấn đề, định hướng rõ ràng, cơ hội đang đến ngày một nhiều hơn, sự nỗ lực và đồng thuận của toàn Đảng, toàn Dân đang là sức sống mạnh mẽ. Quan trọng hơn hết, chúng ta đang có khát vọng và nội lực rất cao để đưa thành phố đến với những tầm cao...

HÀ VĂN THỊNH

;
.
.
.
.
.