Cách đây 55 năm, ngày 27-2-1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Hội nghị cán bộ ngành Y tế. Từ đó, ngày 27-2 hằng năm được Đảng, Nhà nước ta chọn làm Ngày Thầy thuốc Việt Nam.
Trước hết, phải thấy rằng khi Bác Hồ gửi thư, chỉ mới hơn 4 tháng sau khi Thủ đô Hà Nội được giải phóng (10-10-1954). Dù bận trăm công ngàn việc của một Nhà nước vừa trải qua 9 năm kháng chiến chống Pháp gian khổ mà Bác - thay mặt Đảng và Chính phủ, vẫn quan tâm sâu sắc đến đội ngũ cán bộ y tế (bác sĩ, y tá, hộ lý, cán bộ và nhân viên hành chính); đủ để biết vị trí của người thầy thuốc quan trọng biết chừng nào. Lời căn dặn của Bác Hồ trong lá thư đó tưởng chừng như vừa đến hôm qua, hôm nay: “Lương y phải như từ mẫu” (HCM, TT, T.7, tr.476.
Chúng tôi nhấn mạnh - TVH). Người thầy thuốc chân chính (lương y) nhất định phải là người mẹ hiền (từ mẫu) là cách dùng từ vừa thâm thúy, vừa bao hàm những giá trị, ý nghĩa cụ thể, sắc sâu. Viết như thế là Hồ Chủ tịch thấy rõ công việc - nhiệm vụ của người thầy thuốc rất khó khăn, vất vả. Tiếp xúc hằng ngày, hằng giờ với những nỗi đau, nỗi khổ của con người nên việc giữ được cái tâm sáng, cái tận tụy của tấm lòng, cái chia sẻ gần gũi là điều không hề dễ dàng. “Phải” còn có nghĩa rằng khi đã xác định chọn nghề y thì “từ mẫu” không chỉ là bổn phận mà nhất thiết phải là sự đồng hành của nghề, của nghiệp.
Không hề ngẫu nhiên khi trước câu trích dẫn trên là điều Bác Hồ nhấn mạnh: “… Săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn”. Thì ra, đến bây giờ chúng ta mới chợt hiểu rằng Hồ Chủ tịch vĩ đại và mẫn tiệp biết bao nhiêu! Toàn bộ những phẩm chất của người thầy thuốc đích thực chỉ gói gọn trong hai ý trên: Bệnh nhân là ruột thịt và nỗi đau của người bệnh cũng là nỗi đau của chính mình. Hiểu và làm được như thế thì xã hội nhất định sẽ tốt đẹp, người thầy thuốc mãi mãi được quý trọng, mến yêu.
Ngành Y tế của nước Việt Nam ngày nay đã có rất nhiều thành tựu được xã hội thừa nhận. 30 năm chiến tranh mà dịch bệnh không bùng phát, không gây nên những hậu quả đáng tiếc là cả một sự cố gắng phi thường. Từ năm 1975 đến nay, mặc dù thế giới có rất nhiều bệnh lạ; thậm chí các cường quốc kinh tế phải chống đỡ vất vả nhưng Việt Nam luôn biết cách để kiềm chế, giảm thiệt hại đến mức thấp nhất, chứng tỏ cái tâm, cái tài của những thầy thuốc Việt Nam là điều xứng đáng được tri ân. Không phải tự nhiên mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từng nêu tấm gương của Việt Nam trong công tác phòng ngừa và ngăn chặn dịch bệnh.
Thời kinh tế thị trường, cơn bão của đồng tiền tác động đến nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành Y tế. Những tiêu cực là không thể phủ nhận, nhưng cũng cần phải nhìn nhận một cách khách quan rằng, nếu việc khám bệnh trong bệnh viện công chỉ có 3.000 đồng trong khi bệnh viện tư 100.000 đồng là điều bất cập. Cũng tương tự như thế, một ca mổ cấp I chỉ được bồi dưỡng 75.000 đồng là điều khó có thể làm an tâm những người thầy thuốc bởi ít nhất phải là 400 – 500.000 đồng mới xứng đáng với sự học, thành nghề và tâm huyết của bác sĩ, y tá bỏ ra… Nói như thế để thấy rằng, Đảng và Nhà nước đã nhìn thấy những bất cập và nhất thiết sẽ có sự sửa đổi, điều chỉnh. Tuy nhiên, dù khó khăn thách thức, dù cho gian khổ của đời thường có dày vò đi nữa thì mọi thầy thuốc Việt Nam đều nhớ đến lời dạy của Bác Hồ: Lương y phải như từ mẫu.
Đà Nẵng là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước trên lĩnh vực y tế. Dẫn chứng điển hình nhất là Đà Nẵng đã đưa Bệnh viện Phụ nữ vào hoạt động và mới đây, vừa khởi công xây dựng Bệnh viện Ung thư miễn phí đầu tiên của Việt Nam. Khỏi phải nói sự kiện đó có ý nghĩa to lớn như thế nào! Ngày 24-2-2010 vừa rồi, thành phố đã tổ chức kỷ niệm trọng thể 55 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam với sự tham dự của Bí thư Thành ủy, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch UBND thành phố cùng hai vị Phó Chủ tịch và Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố. Đó là sự tôn vinh, trân trọng của Đảng bộ, chính quyền thay mặt cho gần một triệu người dân bày tỏ tấm lòng ước nguyện của mình đến các thầy thuốc.
Xin chúc các thầy thuốc Việt Nam nói chung, các thầy thuốc đang sống và làm việc tại thành phố nói riêng vững vàng hơn về chuyên môn, thành công hơn về nghề nghiệp và luôn nhớ đến điều mong mỏi thiết tha của Bác Hồ - Người thấy rõ mọi điều trong cuộc đời, xã hội. Phải như từ mẫu là trách nhiệm của trái tim và bổn phận trước cuộc đời, nghề nghiệp!
Tô Vĩnh Hà
.
.
Xin tri ân các thầy thuốc!
Thứ Sáu, 26/02/2010, 07:40 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.