.

29-3-2010, mốc lịch sử mới của thành phố

Ngày 29-3-1975 đối với Đảng bộ và người dân thành phố Đà Nẵng là một ngày trọng đại: Bắt đầu từ thời khắc không thể nào quên ấy, hòa chung với cả nước, Đà Nẵng thực sự bước vào một thời kỳ mới mà lịch sử đặt tên là bước ngoặt mang tính cách mạng một cách toàn diện, sâu sắc.

Ngày 29-3 giải phóng thành phố Đà Nẵng và ngày 30-4 giải phóng hoàn toàn miền Nam, cách mạng Việt Nam đã hoàn thành được nhiệm vụ quan trọng, giành được độc lập cho dân tộc, cả giang sơn thu về một mối, mọi người dân thành phố trở thành người dân tự do của một nước độc lập.

Ngày 29-3 mở ra con đường mới xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc cho mọi người Đà Nẵng.

Suốt 35 năm qua, Đảng bộ, chính quyền thành phố luôn phấn đấu cho mục tiêu tối cao đó. 

Những gì mà Đảng bộ, chính quyền, người dân Đà Nẵng đã làm được trong suốt 35 năm qua là rất đáng tự hào. Thi sĩ Nga Lermontov viết rằng: Không gì thay đổi nhanh bằng những đám mây. Nhưng đất nước còn thay đổi nhanh hơn. Tôi nghĩ vận ý thơ đó cho Đà Nẵng là phù hợp. Hơn 13 năm qua, bộ mặt thành phố thay đổi từng ngày. Sự đổi thay của thành phố được không những người đi xa về, những bạn bè

nơi khác đến mà ngay những người dân thành phố cũng cảm nhận được. Những ý tưởng và những sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, cách làm hiệu quả cứ thế “rủ gọi nhau về”. Sự đồng thuận của lòng Dân, ý Đảng đã trở thành sức mạnh, thành “lực lượng vật chất”, thành nguồn lực của sự phát triển. Cách đây 3 tháng, đường Nguyễn Văn Linh nối dài còn bộn bề chuyện đất đai, giải tỏa. Bây giờ, phố xá đã lên đèn! Nếu không có sự đồng thuận của ý chí, lòng người, hiểu biết, cảm thông thì không thể có huyền thoại Sông Hàn “kỳ diệu” ấy.

Rất nhiều người hỏi rằng Đà Nẵng đã thực sự bắt đầu đột phá, thay đổi tư duy từ thời điểm nào? Câu hỏi đó không dễ trả lời. Riêng tôi, tôi nghĩ rằng Đà Nẵng đã thực sự chuyển mình, bứt phá, tăng tốc, vượt trội so với một số địa phương khác khi hoàn tất đường Nguyễn Tất Thành. Đó là con đường dài hàng chục km, ôm trọn vịnh biển như là sự mở rộng vòng tay để mời gọi bè bạn xa gần; để rồi đến năm 2009, với việc khánh thành cầu Thuận Phước, đã trở thành con đường dài nhất của một thành phố biển – hoàn tất, khẳng định “giấc mơ” để bán đảo Sơn Trà không còn là bán đảo nữa, vì nó đã được nối thẳng, thành một vòng cung khép kín của Đà Nẵng, bây giờ. Việc mở đường Nguyễn Tất Thành là một sự thay đổi cơ bản về tư duy phát triển, từ “quay lưng lại với biển”, đến “hướng ra biển” khai thác thế mạnh tiềm năng kinh tế biển là sự lựa chọn đúng đắn trên con đường phát triển đất nước, thành phố.

Trong bài trả lời phỏng vấn báo chí nhân dịp Kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng thành phố, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh chỉ đưa ra 2 con số: Dù kinh tế thế giới khủng hoảng nhưng từ năm 2005-2009, kinh tế Đà Nẵng vẫn tăng trưởng bình quân 12% và, nếu thu nhập tính theo đầu người của mỗi người dân Đà Nẵng năm 2000 là 628USD thì dự kiến năm 2010 sẽ tăng lên 2.000USD/người/năm (Đặc san Báo Đà Nẵng, 29-3-2010, tr. 7&8)!

Thành tựu lớn nhất qua 35 năm xây dựng và phát triển là Đà Nẵng đã tạo được môi trường cho mọi người dân mưu sinh, và nhờ vậy, tạo được sự đồng thuận xã hội. Thành phố đã định hình được cơ cấu kinh tế dịch vụ-công nghiệp-nông nghiệp. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được đầu tư xây dựng tương đối đồng bộ, hiện đại như hệ thống giao thông đường bộ, đường hàng không, cảng biển, đường sông, đường sắt; hệ thống cung ứng điện, cấp nước; mạng lưới khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm đầu tư cả cơ sở vật chất, thiết bị hiện đại và đội ngũ thầy thuốc; hệ thống trường học được đầu tư cả quy mô lẫn chiều sâu.

Môi trường đầu tư của thành phố không ngừng được cải thiện theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp làm ăn. Hai năm liền, Đà Nẵng đứng đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Thành quả 35 năm qua là kết tinh sự nỗ lực của mọi người dân thành phố, kết tinh những thao thức, trăn trở, những quyết sách của các thế hệ lãnh đạo tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng trước đây và Đà Nẵng hiện nay. Từ tư duy “Thành phố 5 không”, “3 có” đến “Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế” bên cạnh ý nghĩa “vật chất” mà ai cũng có thể định lượng được, còn một ẩn ý sâu sắc hơn, mãnh liệt hơn, đó là tinh thần không chấp nhận trung bình chủ nghĩa. Với cuộc thi bắn pháo hoa, ngoài mục đích tạo ra một hoạt động văn hóa, nghệ thuật bổ ích phục vụ nhân dân, thu hút du khách về với thành phố, là cơ hội tốt để quảng bá hình ảnh thành phố Đà Nẵng anh hùng, thì theo chúng tôi, một thông điệp nữa mà lãnh đạo thành phố gửi gắm là pháo hoa sẽ là ngòi nổ, là đột phá điểm phá vỡ không khí trung bình chủ nghĩa, tư tưởng cầu an đang bao trùm đời sống xã hội hiện nay. Thực tế qua 3 năm cuộc thi bắn pháo hoa, dù chưa có đánh giá, tổng kết từ cấp có thẩm quyền, nhưng thiển nghĩ, pháo hoa đã đánh thức sự háo hức của dân chúng, cuộc sống trở nên có hồn hơn, mãnh liệt, máu lửa hơn.

Tất cả những thành quả đó đã tạo cho Đà Nẵng một thế và lực mới. Năm 2010 – được coi là mốc quan trọng, Đà Nẵng như con chim én đủ lông mao, lông vũ, tung cánh bay cao, bay xa…       

Hà Lâm

;
.
.
.
.
.