.

Đồng thuận xã hội - nguồn lực phát triển

Báo cáo của Thành ủy Đà Nẵng sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-TW của Bộ Chính trị về xây dựng phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã rút ra 3 bài học lớn, trong đó có bài học tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, huy động được sức dân vào công cuộc công nghiệp hóa.

13 năm qua, giải tỏa, đền bù, tái định cư luôn là vấn đề thời sự nóng bỏng ở Đà Nẵng. Đến quý 1-2010, gần 90.000 hộ phải di dời, tái định cư để thành phố quy hoạch phát triển. Nhân dân còn góp hàng vạn mét vuông đất, hàng chục ngàn mét tường rào, cổng ngõ, thậm chí một phần nhà cửa để lấy mặt bằng mở đường, xây dựng các công trình phúc lợi công cộng. Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh lập luận rằng, nếu đụng đâu (giải tỏa) đền bù đó, thì không một thành phố nào làm nổi. Phải dựa vào dân, huy động sức dân để mở mang, phát triển đô thị. Và nhờ sức dân, từ 174km đường phố năm 1997, sau 13 năm, nay thành phố làm mới hơn 300 tuyến đường nội thị, với tổng chiều dài hơn 700km được xây dựng với mức đầu tư lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng!

Kết quả đó một lần nữa khẳng định nhân dân Đà Nẵng rất cách mạng. Đảng dựa vào dân, nhân dân tin Đảng, đó là cội nguồn sức mạnh trong xã hội mới. Mỗi khi nhân dân có ý thức trách nhiệm về tương lai của thành phố và thông cảm với những khó khăn mà thành phố đang gặp phải mà chung vai gánh vác thì mọi việc trở nên dễ dàng hơn. “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong” là một chân lý.

Tuy nhiên, để mọi người dân đồng tâm, hiệp sức xây dựng cuộc sống mới, thành phố cũng phải trải qua nhiều thác ghềnh, truân chuyên, khó nhọc.

Còn nhớ, thời gian đầu thực hiện phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm” tại Dự án nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Tri Phương, có khá nhiều hộ dân hai bên đường này phản ứng thái quá. Nhiều hộ gia đình khiếu kiện không chỉ tại Đà Nẵng mà còn cơm đùm, cơm nắm ra tận Trung ương. Có trường hợp phản ứng bày tỏ sự  kiên quyết không chấp nhận giải tỏa, nếu bị cưỡng chế,  cả nhà sẽ tự sát bằng lựu đạn.  Hay như khi triển khai giải tỏa khu nhà tạm phía  tây cầu Nguyễn Văn Trỗi, Trần Thị Lý, có người dọa nếu bị cưỡng chế giải tỏa sẽ tưới xăng tự thiêu, nếu thành phố không đền bù theo yêu cầu của họ.

Nhiều trường hợp khiếu kiện kéo dài gần 10 năm trời, dù đã được cơ quan có thẩm quyền từ địa phương, Trung ương, Thanh tra Nhà nước giải quyết.

Một số dự án, nhiều hộ trong diện di dời giải tỏa  không chấp nhận kiểm định, áp giá đền bù.

Sự phản ứng của dân lắm kiểu, lắm cách, lắm cung bậc.

Có hàng ngàn cuộc tiếp dân do các đồng chí lãnh đạo thành phố, các ngành, địa phương tổ chức trong hơn 10 năm qua.

Phải công tâm nhận xét rằng, hầu hết những khiếu nại, hay những nội dung khiếu kiện của dân không phải là xung đột lợi ích giữa Nhà nước và nhân dân trong giải tỏa, đền bù như một số người nói mà đó là nhận thức chưa đầy đủ của một bộ phận dân cư về chính sách của Nhà nước.

Phương châm chỉ đạo của thành phố Đà Nẵng là làm cho dân rõ cái lý của sự phát triển. Để Đà Nẵng trở thành thành phố văn minh, giàu đẹp, trước hết và trên hết phải biết vượt qua những gì là cổ hủ, lỗi thời, những gì trì kéo sự phát triển.

Để một thành phố phát triển, tất yếu một bộ phận dân cư phải chịu thiệt thòi, như phải thay đổi thói quen, tập quán sống cũ, phải chịu thay đổi nơi chôn nhau cắt rốn của mình, phải mất đất sản xuất.

Phần lớn những khúc mắc của dân cũng từ chính sách giá đền bù và bố trí tái định cư. Chính sách hậu giải tỏa, như việc ổn định đời sống cho dân, công ăn việc làm, đào tạo nghề cho những người nông dân đều được giải quyết thấu đáo.

Nội dung các buổi tiếp dân được tổ chức ngay tại địa phương với sự tham gia của các cấp từ lãnh đạo thành phố, quận, các tổ chức chính trị-xã hội, các cơ quan chuyên môn. Nhiều vấn đề bức xúc, nhiều đòi hỏi trước yêu cầu phát triển thành phố cũng như những khúc mắc của người dân được tranh luận công khai, trao đổi thẳng thắn. Đối thoại với dân, giải quyết thấu đáo nguyện vọng của dân và kiên trì giải thích, thuyết phục nhân dân là con đường duy nhất đúng để tạo được sự đồng thuận. Vì lẽ đó mà bên cạnh các buổi tiếp xúc của lãnh đạo thành phố, những cuộc gặp gỡ, trao đổi riêng lẻ của các địa phương, các cơ quan chức năng được tiến hành thường xuyên.

Những gì mà Đà Nẵng đạt được hôm nay chính là nhờ sức mạnh của sự đồng thuận xã hội. Đảng dựa vào dân, lấy phục vụ nhân dân làm phương châm hành động. Đảng nói dân tin, chính quyền làm nhân dân ủng hộ, Mặt trận, đoàn thể vận động nhân dân theo. Đó là sức sống Đà Nẵng.

TRƯƠNG CÔNG ĐỊNH

;
.
.
.
.
.