.

Hợp tác và phân công

Tại Diễn đàn Hợp tác vùng kinh tế trọng điểm miền Trung vừa được Bộ Công thương và tỉnh Quảng Ngãi phối hợp tổ chức hôm 20-3, nhiều phát biểu đã cho thấy từ một xuất phát điểm thấp, đầu tư hạ tầng manh mún, không thỏa đáng, thiếu các cơ chế để tạo ra sự liên kết đã tiếp tục làm cho cả một dải đất (kéo dài từ Bình Định đến Quảng Trị) rộng gần 30 ngàn km vuông, 600 km bờ biển với dân số gần 7 triệu người vẫn phát triển chậm chạp hơn so với hai đầu đất nước.

Các tham luận của các nhà kinh tế, khoa học như chuyên gia cao cấp Lê Đăng Doanh, Viện trưởng Viện Kinh tế Trần Đình Thiên, Tiến sĩ Trương Đình Hiển... đều đề xuất những hướng liên kết như kết nối hệ thống giao thông theo chiều ngang, nối với Lào, Campuchia; mở rộng quốc lộ 1A, xây dựng các cảng lớn và phát triển các cảng nhỏ, nâng cao vai trò đào tạo nguồn nhân lực, công nghệ cao của hai trung tâm Đà Nẵng và Huế, liên kết phát triển du lịch giữa Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế và Quảng Nam... Chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh khẳng định: “Phải có một cơ chế rõ ràng trong liên kết, hợp tác và phải có sự liên kết các hạ tầng giao thông thật sự thông thương. Lợi thế của miền Trung còn là liên kết để kết nối với Myanmar, Lào, mở cửa cho họ ra biển và miền Trung là cửa ngõ khai thác thị trường này...”.

Theo chúng tôi, các hội thảo liên kết, phát triển vùng, quy hoạch vùng cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đã được tổ chức rất nhiều lần trong hơn 10 năm qua do các cơ quan cấp bộ, liên bộ, các tổ chức tư vấn về quy hoạch phát triển quốc tế và một vài tờ báo chuyên ngành tổ chức. Nhiều ý kiến tương tự như các tham luận nêu trên cũng đã được trình bày và ghi nhận.

Đến nay, hạ tầng giao thông nội vùng đã được cải thiện, đường Liên Á (ASEAN highway- AH16) đã khai thông từ năm 2006 đến Lào, Đông Bắc Thái Lan và cả Myanmar, các trung tâm đào tạo Đại học Huế và Đà Nẵng đã có nhiều cải thiện, đổi mới đáng kể. Nhiều đường bay thẳng đi các nước từ các sân bay Phú Bài và Đà Nẵng đã được thiết lập... Nhưng thực trạng của việc thiếu liên kết vẫn còn nguyên như trước. Nói như Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Cao tại diễn đàn này là: “Các địa phương trong vùng còn cạnh tranh không lành mạnh làm tiềm năng không được phát huy...

Mỗi năm, tỉnh, thành nào cũng có 5-6 lễ hội nên chồng chéo, hiệu quả khai thác giảm. Ông Cao cho rằng sự liên kết, hợp tác hãy còn lỏng lẻo, có cả tình trạng cạnh tranh trực diện, trong khi việc hợp tác chân thành thì yếu...”. Còn Tiến sĩ Trần Đình Thiên lại có cảm tưởng như mỗi tỉnh, thành là một nền kinh tế riêng biệt, “không ai chịu ai cả!”.

Và người ta lại quay về với câu cửa miệng “thiếu cơ chế”. Nhưng cơ chế thế nào thì vẫn là một khoảng trống và thiếu cụ thể.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng, Thứ trưởng Bộ Khoa học-Công nghệ đã có những ý kiến sát sườn, rõ rệt hơn: Để miền Trung phát triển cần có chính sách kêu gọi phát triển hạ tầng... Trong đó, đáng quan tâm là tập trung phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm của các viện nghiên cứu, khu công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, trở thành thành phố động lực của cả vùng...”.

Vùng trọng điểm kinh tế miền Trung trước hết cần có một cơ chế, một chính sách rõ rệt và điều hành nhất quán từ cấp vĩ mô. Trên cơ sở đó, mới có thể tạo ra sự hợp tác và phân công, khai thác hợp lý thế mạnh giữa các đô thị động lực (theo các nhà quy hoạch, đối với địa hình duyên hải miền Trung, là chuỗi các đô thị) và các địa phương trong nội vùng.

Bởi không thể có sự hợp tác nếu thiếu sự phân công. Cũng như đội hình của một đội bóng đá, lúc đó các cầu thủ sẽ chạy lộn tùng phèo trên sân, làm gì còn chiến thuật, đấu pháp! Muốn có, đội bóng phải có HLV, có đội trưởng trên sân. Sự hợp tác và phân công của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cũng vậy, cơ chế trước hết là vai trò cụ thể và thường trực của lãnh đạo Chính phủ, sau đó mới đến các đô thị động lực.

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

;
.
.
.
.
.