Hôm qua 14-3, cả nước bước vào Tuần lễ quốc gia An toàn vệ sinh lao động - Phòng, chống cháy nổ năm 2010 (từ 14 đến 21-3). Đã 12 lần tổ chức Tuần lễ cấp quốc gia với nhiều hoạt động rầm rộ nhưng tình hình an toàn lao động, đặc biệt là cháy nổ ngày càng nguy hiểm hơn.
Mức độ nghiêm trọng của những vụ cháy gần đây đã cảnh báo mối đe dọa cướp đi sinh mạng của con người một khi chủ quan, lơ là, thiếu ý thức đề phòng. Mới đây nhất, tại Hà Nội và Bình Dương đã xảy ra các vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng, cướp đi sinh mạng 9 người. Chỉ tính từ đầu năm 2010 đến nay, trên địa bàn cả nước đã xảy ra hơn 50 vụ cháy, làm hàng chục người chết và bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính hàng trăm tỷ đồng.
Thống kê của Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ (Tổng cục Cảnh sát), trong năm 2009, cả nước đã xảy ra 1.948 vụ cháy, trong đó, có 1.677 vụ cháy ở các cơ sở và nhà dân, 271 vụ cháy rừng khiến 62 người chết và 145 người bị thương. Tổng thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 500 tỷ đồng và gần 1.400 ha rừng. Cả nước xảy ra 18 vụ nổ làm chết 16 người, bị thương 42 người, thiệt hại về tài sản ước tính 1,3 tỷ đồng. So với năm 2008, số vụ cháy nổ trong năm 2009 tuy giảm về lượng nhưng lại tăng mức thiệt hại về người. Điển hình là số người chết vì cháy tăng 19% và chết trong các vụ nổ tăng 52%.
Nguyên nhân gây cháy phần lớn do thiếu ý thức, sơ suất trong sinh hoạt sử dụng thiết bị điện và vi phạm quy định về PCCC. Điều tra nguyên nhân cháy chung cư JSC 18 tầng tại Hà Nội, xác định ban đầu của cơ quan chức năng là có thể do người dân bất cẩn vứt vật phát lửa vào họng rác. Lửa phát sinh từ buồng chứa rác ở tầng 1, sau đó khói theo đường họng rác bốc lên các tầng trên gây ngạt cho người dân sinh sống tại đây. Hai trong số nhiều nạn nhân mắc kẹt đã bị chết do ngạt khói.
Tại Đà Nẵng, mặc dù tình hình cháy nổ, tai nạn lao động không nghiêm trọng như ở các địa phương khác, tuy nhiên tai nạn cháy nổ vẫn xảy ra với nhiều lý do khác nhau mà chủ yếu vẫn là sự thiếu ý thức của chính người dân. Con số 78 vụ cháy, 2 sự cố tràn xăng dầu, một vụ nổ làm 1 người chết, nhiều người khác bị thương trong năm 2009 cho thấy mức độ phức tạp, nguy hiểm của hỏa hoạn.
Điều đáng lo nhất hiện nay là việc đầu tư trang thiết bị chống cháy tại nhiều công trình xây dựng vẫn chưa tuân thủ nghiêm quy định an toàn PCCC. Đối với các công trình cao tầng phải qua thẩm duyệt về PCCC, cần được trang bị đầy đủ hệ thống, thiết bị PCCC như bảo đảm lối thoát nạn an toàn, có hệ thống thông gió, thoát khói, có giải pháp ngăn cháy lan, chống cháy lan, trang bị hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động, hệ thống chữa cháy vách tường, bình chữa cháy các loại…
Một khó khăn nữa là các quy định về an toàn, phòng chống cháy nổ hiện vẫn chưa được phổ biến, tuyên truyền đến đúng đối tượng. Hiện nay, một số nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, chung cư cao cấp trên địa bàn thành phố sử dụng hệ thống khí đốt hóa lỏng để phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Đây là những hóa chất có nguy cơ cháy nổ cao, nhưng theo quy định, các cơ sở này lại không có trong danh sách các dự án, công trình thuộc diện phải thiết kế và thẩm duyệt về PCCC. Kẽ hở này đã tạo ra nhiều nguy cơ cháy nổ.
Luật PCCC ra đời từ năm 2001, nhưng đến năm 2003 Chính phủ mới ban hành Nghị định 35 quy định chi tiết một số điều của Luật PCCC. Đến năm 2004, Bộ Công an mới ban hành Thông tư hướng dẫn cụ thể việc thi hành nghị định này. Từ khi luật ra đời đến khi ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật là một quãng thời gian khá dài. Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác PCCC trong thời gian qua. Ngoài ra, hàng loạt nội dung khác nảy sinh trong quá trình thực hiện công tác PCCC nhưng đến nay vẫn chưa được bổ sung vào luật. Cụ thể, chưa có tiêu chuẩn quy định về PCCC đối với các công trình ngầm, công trình có tầng hầm, công trình siêu cao tầng, chưa có hướng dẫn cụ thể về việc bồi thường phương tiện, tài sản bị thiệt hại, nhà, công trình bị phá dỡ để phục vụ công tác PCCC.
Tuy vậy, công tác PCCC đạt kết quả hay không phụ thuộc rất lớn vào ý thức trách nhiệm của mỗi công dân. Ngoài ra, vai trò trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong công tác PCCC, riêng đối với những cơ sở có khối lượng lớn hàng hóa dễ cháy phải có giải pháp ngăn chặn, chống cháy lan, nhất là tại kho xưởng, chợ, trung tâm thương mại, siêu thị là đặc biệt quan trọng. Vụ cháy làm chết 7 người ở Thuận Giao, Thuận An - Bình Dương mới đây một lần nữa nhắc nhở các ngành, các doanh nghiệp và cá nhân hãy cảnh giác cao độ với cháy nổ, nhất là trong mùa khô như hiện nay. Song song đó, ngành chức năng cũng cần có phương án xử lý triệt để các đơn vị, doanh nghiệp và người dân chưa chấp hành quy định trong công tác PCCC và cần xử phạt nặng để răn đe, chấn chỉnh.
DIỆU MINH
.
.
Nêu cao ý thức phòng chống cháy nổ
Thứ Hai, 15/03/2010, 07:29 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.