.

Suy ngẫm từ DIFC 2010

Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế ở Đà Nẵng 2010 (Danang International Fireworks Competition - DIFC) vừa được tổ chức thành công hết sức tốt đẹp, bất chấp cái se lạnh trong đêm đầu tiên và những hạt mưa, cái rét làm xao xuyến lòng người và suýt nữa làm hỏng bữa đại tiệc về màu sắc và âm thanh độc đáo. Cái còn lại là suy ngẫm về DIFC với những giá trị, ý nghĩa, tác động cho Đà Nẵng nói riêng; về cách đi, cách làm cho cả nước nói chung…

Tiếp xúc với một khách du lịch phương Tây đêm 27-3, sau khi màn trình diễn của đội pháo hoa Bồ Đào Nha vừa kết thúc, tôi chợt vỡ ra khá nhiều điều. Khi tôi hỏi James (tên của vị khách) rằng đến Việt Nam - nơi không đạt được tiêu chuẩn 5S như nhiều người phương Tây vẫn nói, ông có buồn không (5S: Sea, Sun, Sand, Sex, Shopping – Biển, mặt trời, cát, gió và mua sắm)? James cười và nói: “Quả thật, rất nhiều người trong số “phương Tây” mà bạn nhắc đến cũng hơi buồn, thế nhưng, bù lại, các bạn có khá nhiều điều lý thú, như lễ hội DIFC này chẳng hạn”.

Ngừng một lát như để nhấm nháp cái ý định bắt tôi phải bất ngờ, James tủm tỉm: “Bạn đã nói đến 5S nên tôi sẽ nhận xét rất thẳng thắn rằng DIFC cũng có đủ cả 5I: Idea, Interesting, Innovation, Impression, International - Ý tưởng độc đáo, lý thú, sáng tạo, ấn tượng và quốc tế”. Quả là tôi hơi bị choáng vì điều James vừa nói cũng là điều tôi đã cảm thấy lờ mờ. Như nhìn rõ hơn những góc khuất của cuộc đời dưới cánh những bông hoa bằng lửa và âm thanh, khói và ánh sáng; tôi giật mình vì đã hiểu thêm…

Ý tưởng tiếp thị bằng hình ảnh mảnh đất, con người cho bè bạn từ mọi vùng miền cũng như quốc tế quả là điều ai cũng muốn. Nếu không có nó thì sẽ không có sự tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch, đầu tư - sự hiểu biết đa chiều từ nhiều phía. Vấn đề là tìm ra được một cái gì đó độc đáo (tự thân nó, ý tưởng luôn bao hàm nghĩa độc đáo rồi), nhưng lại phải có tính lâu dài, phải luôn luôn mới. Quả là điều khó khi chúng ta muốn dung hòa hay nói cách khác, “cột” tất cả những yêu cầu đó thành những chùm hoa rực rỡ, thành nhiều chùm quả ngọt lành.
 
Không biết ai là người đã nghĩ ra pháo hoa cho Đà Nẵng dịp 29-3? Ý nghĩ đó đáng được ghi nhận đầy đủ. Một ngày kỷ niệm mang tính chính trị-xã hội của riêng Đà Nẵng, của chung Việt Nam được cộng hưởng, được thăng hoa bằng sự tham gia của bè bạn trên thế giới thì quả là không gì diệu tuyệt bằng. Ngạn ngữ phương Tây có một câu rất hay rằng khi niềm vui được sẻ chia thì đó sẽ là sự thăng hoa của hạnh phúc. Càng đáng bàn hơn nữa khi chính những người bạn ấy, trong quá khứ có không ít những sai lầm, vướng mắc với ta; giờ đây, họ cùng ta cảm thông trong sự hiểu biết, chan hòa.

Lễ hội chỉ thực sự đáng trân trọng khi nó được quần chúng hóa, xã hội hóa. Nghĩa là, nếu lễ hội được tổ chức ra chỉ dành riêng cho vài ba ngàn người trong một cộng đồng có cả triệu người thì nó không còn là lễ hội nữa. Trên thế giới có rất nhiều lễ hội nổi tiếng, bền vững vì thoả mãn được tiêu chí này. Chẳng hạn ngày Tết, ngày Quốc khánh, Giáng sinh, Phật đản, lễ hội Carnaval ở Brazil, lễ hội bia ở Bayern Munchen (Bayern Munich)… Pháo hoa tất nhiên chưa đạt đến tầm vóc của những lễ hội như thế nhưng DIFC của Đà Nẵng đã làm được điều quan trọng nhất: Hầu như tất cả mọi người dân của thành phố đều được tận mắt chứng kiến, được cùng nhau sẻ chia những ánh mắt, nụ cười trong rộn rã niềm vui, trong đầy ắp ước mơ, chờ đợi. Được chứng kiến từng dòng người cuồn cuộn từ các ngả đường kéo về hướng Sông Hàn huyền thoại, sự xúc động quả là điều khó tả.

Người Bồ Đào Nha đã sáng tạo ra cả một chương trình dành riêng cho Sông Hàn để nói về huyền thoại của rồng và lửa. Người Nhật “đem đến” cả Ngũ Hành Sơn khi trên nền trời là những vòng hoa có đủ ngũ sắc hài hòa như cái lẽ mộc, hỏa, thổ, kim, thủy vĩnh hằng. Người Mỹ nhắn gửi sự bứt phá, sự đột biến của vòng đời hối hả bằng chất lượng rất cao của sắc màu, sự “đồ sộ” về cả số lượng hoa và lửa. Còn người Pháp thì bay bổng với những tiết tấu lãng mạn - nhất là những bông hoa trắng ở phần cuối dường như không tắt mà cứ trôi nhè nhẹ như mây, như khói. Những hình ảnh ấy lãng mạn đến mức làm cho mỗi chúng ta trong phút chốc quên đi hết thảy những vất vả, bộn bề. Đội pháo hoa Đà Nẵng đã tiến bộ vượt bậc khi năm nay tự mình lớn lên, tự mình làm tất cả mọi công đoạn cần thiết của “người làm ra hoa” trên nền trời quê hương…

Lễ hội pháo hoa không cũ bao giờ. Đó là một trong những tiêu chí nổi bật của lễ hội. Mỗi năm thành phần tham gia mỗi khác. Chất lượng và cách bày đặt các kiểu pháo luôn bảo đảm cho lễ hội năm nào cũng có bất ngờ và thú vị. Có thể nói rằng đó là một trong những nhu cầu không thể thiếu của con người. Pháo hoa như là một phần không thể thiếu của cuộc đời vì cái hồn mà nó chuyển tải, cái lung linh của những giấc mơ, cái khát khao khi ta vươn tới những tầm cao mới.

Nhiều và nhiều lắm những nghĩ suy khi những bông hoa lửa đã lui về với ký ức và cảm xúc. Cũng nhiều như thế những khát vọng và niềm tin về sự phát triển mạnh mẽ của thành phố đang và chắc chắn sẽ diễn ra. Kết quả về thứ hạng chưa phải là điều quan trọng nhất bởi tôi cứ băn khoăn mãi về thứ hạng giữa hai đội Pháp và Mỹ. Có lẽ, đã nói về hoa, chẳng ai có đủ tự tin để trả lời rành rẽ rằng loài hoa nào là thứ nhất!

Chợt nghĩ, DIFC đã tạo ra một cú hích, một sự khát khao, buộc con người phải thay đổi, phải luôn hướng tới những tầm cao mới. Hoa bay lên trên nền trời, hoa đan kết thành trùng trùng, lớp lớp; những lớp “sóng” của hoa sau đuổi bắt, trùm lên những lớp sóng trước. Đó không chỉ là pháo hoa mà là huyền thoại biển, huyền thoại sống của mọi cuộc đời...

Hà Văn Thịnh

;
.
.
.
.
.