Hôm qua, người viết bài này về làng Trung Lương ở ngoại thành ăn giỗ cụ tổ bên gia đình vợ. Trung Lương là một làng cũ thuộc xã Hòa Xuân, huyện Hòa Vang, nay là phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng.
Làng có cái tên rất hiền lành, địa hình là một bán đảo nằm giữa hai con sông Cẩm Lệ và sông Cái - chảy từ Vĩnh Điện ra - đã có trên 400 năm tuổi. Hai phía làng có hai bến đò Xu và đò Toản. Một đưa người sang nội thành Đà Nẵng, một chở khách sang xã Hòa Quý ở phía Nam. Giữa làng, trên con đường nối hai bến đò là một cái chợ tên Bồ Đề luôn huyên náo vào những buổi sáng. Cả làng chỉ có một giếng nước cổ dùng chung giữa bốn bề ruộng sâu. Ngoài cày bừa, dân làng Trung Lương có đến hàng trăm người từ xưa từng đi làm cu li bốc xếp ở cảng, gọi là làm “po”. Nghề làm “po” tàn lụi dần cùng với những thế hệ lớn tuổi. Thanh niên nam nữ bây giờ học hành khá giả đã trở thành cán bộ, công chức và nhiều người là công nhân ở các xưởng máy, công ty. Nhưng vẫn còn hàng trăm phụ nữ trồng rau, mỗi ngày cung cấp cho thành phố hàng tấn rau sạch qua ngã Đò Xu.
Bao nhiêu năm, cái làng Trung Lương vẫn khó khăn về kinh tế do lũ lụt sâu mỗi năm và giao thông ách tắc. Nhiều dự án làm chiếc cầu thay cho những con đò ngang qua Đò Xu đã được đưa ra rồi dừng lại xem xét. Thời gian kéo dài hơn chục năm. Người dân Trung Lương đã quen với cảnh buổi sáng ra bến đò, chiều lại về nhà trên những chuyến đò ấy. Bạn tôi, vừa là em họ bên vợ có cả một tuổi thơ tươi đẹp giữa những bến sông, cánh đồng đó. Giờ đi làm xa, chỉ những ngày giỗ, ngày Tết mới tranh thủ quay về làng, nhưng nhiều đêm trong giấc ngủ chập chờn của thị thành, anh kể, vẫn còn những giấc mơ về làng cũ. Khi nghe làng được quy hoạch xây dựng khu du lịch sinh thái, anh lấy tên làng Trung Lương đặt tên cho đứa con gái út như để mãi nhớ về tên làng.
Trong bữa giỗ, nhiều chú bác, cô dì lớn tuổi đến những cậu em đã lập gia đình đều ngồi bàn chuyện áp giá, mức đền bù, các suất đất tái định cư và chuyện di dời về khu dân cư mới đang được gấp rút xây dựng ở cách đó vài ba cây số về phía Tây. Tất cả đều cảm nhận phải đổi thay, phải chấm dứt mỗi năm vài ba cơn lụt trắng đồng, trắng nhà. Một đô thị mới sẽ được hình thành. Thời gian ở lại trên đất làng cũ không còn nhiều khi chiếc cầu vĩnh cửu qua bến đò Xu đã sắp hoàn thành...
Chắc chắn sẽ có những con phố rộng, những hạ tầng kỹ thuật cho một khu đô thị mới theo hướng điều kiện sống của người dân sẽ tốt hơn. Nhưng qua những câu chuyện trên bàn giỗ, có thể thấy không ai than phiền về chuyện đền bù, giải tỏa; nhưng nhiều người đang mong muốn giữ lại cái tên Trung Lương, giữ lại cái tên chợ Bồ Đề cho nơi ở mới và những lô đất cần thiết để xây dựng các nhà thờ tộc họ, chi phái. Những cái tên và những thiết chế mang tính tín ngưỡng đó khó có thể mất đi trong truyền thống văn hóa cho dù sự thay đổi địa vực, địa giới hành chính làng xã có thể diễn ra theo sự phát triển. Các nhà dân tộc học từng chứng minh rằng lòng yêu nước, yêu quê hương của các thế hệ, trước hết xuất phát từ tình yêu làng xã bản quán của mỗi người, trong đó có những kỷ niệm gắn liền với những địa danh, tộc họ... Đó là các thành tố không thể tách rời trong văn hóa truyền thống.
Té ra, những nguyện vọng đơn sơ, thô mộc của những bà con trong một bữa giỗ ở làng vẫn chứa sẵn hồn cốt sâu xa của một lĩnh vực nhân văn-xã hội mà các nhà khoa học đã dày công đào xới. Kinh nghiệm này, thiết nghĩ không chỉ có giá trị ở riêng một dự án đô thị hóa cụ thể nào!
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG
.
.
Tên làng và đô thị hóa
Thứ Sáu, 19/03/2010, 07:33 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.