.

Tổ chức sự kiện và công việc thầm lặng

Ai cũng nói: Năm 2010 là năm có nhiều sự kiện quan trọng trong đời sống dân tộc.

Như vậy, năm nay phải là năm của những lễ hội hoành tráng và những hoạt động kỷ niệm phong phú. Và vì thế năm nay sẽ là năm được mùa, năm làm ăn, năm thi thố tài năng của ngành Văn hóa.

Điều này chắc hẳn cũng đúng.

Con người trước hết sống với những yêu cầu hiện thực và trần thế, song con người lại có đặc điểm của riêng mình, có năng lực tư duy, có đời sống tâm linh, con người còn sống với sức mạnh của lịch sử, của truyền thống. Vì vậy, các sự kiện quan trọng chính là một dạng tài nguyên quý báu để từ đó nâng cao nhận thức, giáo dục tư tưởng, bồi dưỡng tình cảm, hướng con người tới những hành động cao đẹp vì chính cuộc sống của mình.

Không khai thác, phát huy các sự kiện quan trọng là lãng phí, là bỏ lỡ cơ hội, là có tội với những thế hệ đã bằng máu xương cuộc đời tạo nên các sự kiện đó.

Bạn cứ tưởng tượng cuộc sống của bạn ngày nào cũng như ngày nào, không có một ngày gợi nhớ trong bạn những kỷ niệm kích thích tâm não bạn hướng tới một khát vọng thì bạn sẽ buồn chán biết bao.

Nhưng cũng như hoạt động khai thác tài nguyên vật thể, chúng ta không được làm cho nó cạn kiệt, không được sử dụng vô tội vạ, không được khai thác bằng bất kỳ giá nào.

Chúng ta luôn được nhắc nhở tổ chức sự kiện phải bảo đảm “an toàn, tiết kiệm”.

Song an toàn thì còn có thể hiểu theo một chuẩn cụ thể không để xảy ra sự cố dẫn đến thương vong. Còn tiết kiệm thì thật là khó nói.

Bây giờ, kinh tế đã khấm khá (dù vẫn còn không ít người nghèo), nhiều địa phương, đơn vị muốn lễ hội của mình phải hoành tráng và sẵn sàng chi tiền tỷ cho ứng dụng công nghệ cao trong lễ hội. Rồi khi quyết toán thấy số tiền quá lớn lại tự an ủi “Nghề chơi cũng lắm công phu”.

Điều quan trọng hơn hết là việc tổ chức sự kiện sẽ để lại, đọng lại điều gì trong công chúng.

Ngày nay, các công ty tổ chức sự kiện có tính chuyên nghiệp cao, đến lực lượng diễn viên quần chúng đông đảo cũng đã được bán chuyên nghiệp hóa đưa vào mạng quản lý. Họ tham gia vào cái gọi là sân khấu hóa sành điệu không kém các diễn viên nhà nghề và thật khó biết tình cảm xúc động thực của họ.

Ai đó nói rất có lý, văn hóa là cái còn lại sau khi mọi cái bị quên lãng.

Làm thế nào cho các hoạt động tổ chức sự kiện để lại, đọng lại trong dân chúng nhiều điều tốt lành, sâu sắc để tan hội, giã bạn ra về họ thấy giữa cuộc đời còn nhiều lo toan, vất vả này họ vừa được sống những giây phút thư thái, phấn chấn, họ thấy vui vẻ tin yêu hơn dù chỉ là một chút, họ cảm thấy cần phải sống tốt đẹp hơn.

Nhưng cũng xin thưa với các nhà hoạt động văn hóa, văn hóa không chỉ là tổ chức sự kiện. Nói như đồng chí Phạm Văn Đồng “Văn hóa là một lĩnh vực vô cùng rộng lớn, phong phú, bao gồm tất cả những gì không phải là thiên nhiên, có liên quan đến con người trong quá trình tồn tại và phát triển...”.

Nghị quyết Trung ương V khóa 8 yêu cầu: “Làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng, từng địa bàn dân cư, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ của con người...”.

Hãy so sánh, dù mọi sự so sánh đều khập khiễng.

Một lễ hội vô cùng hoành tráng, sắc màu lung linh rực rỡ, âm thanh rộn rã, tưng bừng, hàng vạn người bị cuốn hút. Một phòng đọc sách yên tĩnh, người ra vào bước nhẹ, chỉ nghe tiếng mở các trang sách khe khẽ. Một cực kỳ sôi động. Một vô cùng lặng lẽ. Thật khó nói việc nào hệ trọng hơn.

Chúng ta đều biết mọi người đang lo lắng về tình trạng suy giảm của văn hóa đọc - một hoạt động trọng yếu trong đời sống văn hóa của xã hội (dù lúc này có rất nhiều phương tiện truyền thông hiện đại công năng rất ưu việt và việc đọc trên mạng phát triển nhanh).

Xin hãy chăm chút cho các thư viện, các phòng đọc sách để các nơi này có đủ các loại sách báo phục vụ độc giả mọi đối tượng, có phòng đọc yên tĩnh, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông, có đội ngũ nhân viên phục vụ tận tâm, chu đáo.

Đà Nẵng có kế hoạch xây dựng một thư viện mới khang trang, hiện đại nhưng triển khai quá chậm, thư viện hiện nay ở một vị trí tuyệt vời nhưng quá hẹp nên quá tải. Thật là đáng tiếc, có thể nói là đau xót khi sách báo được bó từng bó xếp chết ở một chỗ vì không còn không gian để đưa vào khai thác.

Và không chỉ có như vậy. Cùng với các phòng đọc tĩnh lặng, thoáng sạch, đầy đủ tiện nghi, rất cần đầu tư cho công tác giới thiệu quảng bá sách, tổ chức các cuộc thi đọc sách, kể chuyện theo sách của người lớn và trẻ em...

Mong sao lâu lâu trong các kỳ họp Thành ủy, HĐND, v.v... người chủ trì tranh thủ một lúc nào đó giới thiệu một cuốn sách nào đó mà cán bộ chủ chốt cần đọc, hoặc dùng vài ba phút nêu gương một giám đốc sở, một bí thư quận nhờ đọc sách đã tìm được lời đáp cho một vấn đề ở địa phương, ở cơ quan mình.

Giờ đây nếu nói bạn quan tâm đến việc tổ chức sự kiện hoành tráng hay quan tâm đến việc chăm chút văn hóa đọc, có lẽ các cán bộ văn hóa đều trả lời quan tâm cả hai.

Nhưng trong thực tế chắc là chỉ có những bức xúc về tổ chức sự kiện mới cuốn hút, mới chiếm lĩnh bạn, mới làm bạn mất ăn, mất ngủ. Còn việc đọc sách thì...

NGUYỄN ĐÌNH AN

;
.
.
.
.
.