.

Cội nguồn, trách nhiệm và niềm tin

Ngày mai, 10-3 theo lịch mặt trăng - Ngày Giỗ Tổ của gần 90 triệu con dân nước Việt (kể cả đồng bào ta đang sống ở nước ngoài). Đây là một ngày đặc biệt. Chính ngày này - từ huyền thoại và lịch sử cộng hưởng xa xưa, nước Việt Nam đã thành hình và có cháu con đông đúc, trưởng thành, mạnh mẽ như bây giờ. Hướng đến Ngày Giỗ Tổ, mỗi người đều muốn thắp một nén hương - nén hương đó muốn gửi những gì từ trái tim, nhiệt huyết lửa và trí tuệ có được tự cha ông?

Trước hết, mỗi con dân nước Việt cần phải ghi nhớ rằng, sự tích về Vua Hùng gắn liền với chuyện bánh chưng, bánh giầy và dưa hấu đỏ tươi. Đó không hề là ngẫu nhiên đối với một dân tộc lam lũ, vất vả suốt bốn mùa và hầu như chưa bao giờ thoát khỏi đói nghèo. Đôi khi, ta thử đặt câu hỏi rằng, nếu không có bánh chưng, bánh giầy sẽ không là Tết? Hàm nghĩa của minh triết Việt qua câu chuyện ấy nhiều chiều lắm. Thứ nhất, một “thông điệp” về sự tiết kiệm, để dành. Thứ hai, đó là lời nhắn gửi về bổn phận của lá lành đùm lá rách và lá rách ít đùm lá rách nhiều. Hồ Chí Minh là người hiểu rõ thông điệp ấy. Còn những ai đã từng gói bánh chưng, bánh giầy chắc chắn sẽ vỡ lẽ ra...

Thứ ba, sự quây quần của gia đình bên nồi bánh chưng suốt 7-8 giờ đồng hồ là thông điệp của đoàn kết, gắn kết, hướng về cội nguồn. Không có một dân tộc nào trên thế giới này có được cái “khoảnh khắc” dài nhiều tiếng đồng hồ ấy để đón chờ năm mới. Đó là sự diệu tuyệt và độc đáo của nền văn minh Việt, cảm xúc và tinh thần Việt. Thứ tư, nồi bánh chưng xanh là tinh kết của “hạt gạo làng ta” với bao vất vả, nhọc nhằn. Công đoạn từ khi ngâm nếp, chuẩn bị lá gói, lạt cột, đến khi có bánh chưng để dâng cúng, để ăn dài cả một vài ngày. Nó nhắc ta nhớ để làm ra hạt gạo (nếp), hạt đậu, nuôi được con lợn (heo) cho có đủ thịt mỡ, dưa hành là khó nhọc biết bao. Thứ năm, bánh chưng, bánh giầy là thông điệp của rừng (lá dong) gửi tới đồng bằng; thông điệp của đất gửi tới khát vọng lên trời, bay cao (trời tròn, đất vuông). Nói như thế để thấy rằng cha ông ta tư duy, “bày” việc ra giản dị lắm nhưng sâu sắc và da diết biết chừng nào!

Trách nhiệm của hôm nay thì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra và tóm lược thật khúc chiết, rõ ràng: Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước. Chưa bao giờ vận mệnh của giang sơn, xã tắc bị thách thức và nhiều nguy hiểm như bây giờ. Cách đây mấy chục năm, cuộc chiến tranh giành độc lập và thống nhất đất nước rõ ràng và minh bạch lắm: Bốn mươi thế kỷ cùng ta đánh. Có Đảng ta đây có Bác Hồ. Ngày nay, cuộc chiến đấu để giữ gìn, bảo vệ giang sơn mà các Vua Hùng để lại khó khăn, phức tạp hơn bội phần. Kẻ thù không rõ hình rõ dạng, “người lạ” không rõ từ đâu; đường biên giới, đường lãnh hải chồng lấn, khó phân chia nên việc bắt bớ, dọa nạt trở thành nỗi đau khó xử, khó lành; tài nguyên trái đất càng cạn kiệt bao nhiêu thì sự tranh giành càng khủng khiếp bấy nhiêu; những tham vọng của cường quốc  “ngày xưa” chỉ giới hạn trên đất liền thì ngày nay vươn xa và vươn sâu ra biển, xuống tận lòng của biển... Những bức xúc, lo lắng là có thật.

Truyền thuyết bao giờ cũng có một phần (hoặc nhiều phần) của sự thật. Đó là nguyên tắc đã được lịch sử phân định từ lâu. Ngày Giỗ Tổ cho chúng ta Niềm Tin chắc chắn rằng dân tộc Việt Nam đã trường tồn, mạnh mẽ suốt hàng ngàn năm để không bị đồng hóa, dập vùi thì chắc chắn sẽ đứng vững, trường tồn. Nội lực của lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết trước mọi hiểm nguy và sức mạnh của ý chí Việt, tinh thần Việt đã chứng minh và khẳng định rằng Việt Nam không bao giờ bị khuất phục bởi bất kỳ mưu đồ thôn tính, xâm lấn nào! Ngày Giỗ Tổ là ngày để 90 triệu trái tim và trí tuệ Việt đồng thuận, đoàn kết hướng về tương lai vững chắc, lâu bền. Đó không chỉ là tiếng “nói” của tình cảm mà còn là sự minh định rạch ròi của lịch sử.

Chưa bao giờ dân tộc Việt Nam cần đến sự hòa giải, gắn kết, đồng lòng như bây giờ. Hướng về Ngày Giỗ Tổ là chúng ta hướng về Cội Nguồn: Điều thiêng liêng duy nhất để cho một dân tộc luôn nuôi dưỡng và phát huy được sức mạnh có tự hàng ngàn năm. Đất nước Việt Nam dấu yêu của 90 triệu con cháu Vua Hùng mãi mãi rạng ngời và vinh quang trong thử thách. Đó không chỉ là mệnh lệnh của ý thức mà là sự đồng vọng không cùng của mọi sức mạnh từ trái tim theo tinh thần “Hễ là người Việt Nam, ai cũng phải ra sức cứu nước” (Hồ Chủ tịch). Câu nói ấy, xét về thời điểm này là quyết tâm giữ nước, đưa đất nước phát triển một cách ổn định, để đi đến mạnh giàu!

HÀ VĂN THỊNH

;
.
.
.
.
.