.

Công viên Văn hóa tâm linh lớn nhất Việt Nam

Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng vừa quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết Đề án xây dựng Công viên Văn hóa tâm linh rộng đến 139ha, với tổng kinh phí 2.000 tỷ đồng, ở phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn.

Trước hết, phải thấy rằng ý tưởng xây dựng một Công viên Văn hóa tâm linh (CVVHTL) ở một thành phố còn rất “trẻ” là một cách nhìn, cách đi đúng và cần thiết. “Lõi” của vấn đề nằm ở ba nghĩa: 1) Cuộc sống xô bồ, chạy đua theo tiền bạc ngày nay rất cần phải chấn chỉnh lại, sắp xếp lại theo các dạng bồi bổ văn hóa tinh thần để “chống” lại chủ nghĩa thực dụng tràn lan. 2) Hãy tin rằng các du khách nước ngoài (nhất là phương Tây), tìm đến Việt Nam không phải là nhà cao tầng hay các công trình kiến trúc hiện đại – những cái đó người ta thấy nhiều rồi. Điều họ thích và muốn là sự độc đáo của văn hóa, cái khác biệt của một miền đất mà họ không thể tìm được ở nơi khác. 3) Đà Nẵng được thiên phú cho Ngũ Hành Sơn – là địa danh độc nhất vô nhị, vô giá của xưa – nay, không có ai có thể. Xin lưu ý rằng phải đặt trật tự ngũ hành: mộc - hỏa - thổ - kim - thủy thành một mảng thống nhất mới là chính xác. Cách nói Kim mộc thủy hỏa thổ theo dân gian – bác học lâu nay chẳng nói lên được điều gì.

Điều tiếp theo cần phải bàn là tại sao chúng ta không nghĩ đến lời khuyên của vị cha đẻ ra lý thuyết marketing hiện đại là Philip Cotner khi ông cho rằng hiệu quả nhất là “biến” Việt Nam thành “bếp ăn của thế giới”! Món ăn Việt Nam có đủ vị Tàu (từ hàng ngàn năm), Tây (từ hàng trăm năm), Mỹ (từ hàng chục năm) và sự sáng tạo, uyển chuyển trong cách pha chế là điều không ai không thừa nhận. Trong khi đó, Đà Nẵng là nơi “trung hòa”, “hội tụ” – điểm giữa của văn hóa hai miền nên hoàn toàn đủ khả năng để trở thành “vua bếp” Việt Nam – biến Đà Nẵng thành nơi đến không thể bỏ qua khi nói về tâm linh, ẩm thực, biển và bãi biển, năng động và ổn định.

Như vậy, chúng ta đã có đệ nhất danh thắng là Ngũ Hành Sơn, phần còn lại về ẩm thực và tâm linh là việc của hôm nay. Nói thì dễ nhưng làm lại khó vô cùng. Chẳng hạn, muốn du khách hài lòng và cảm nhận được tâm linh từ tim và từ máu thịt của mình thì không thể dung thứ văn hóa chụp giựt, xô bồ. mọi thói xấu của nền kinh tế thị trường phải được loại bỏ ngay từ ngoài khu vực CVVHTL. Chúng ta nghĩ sao nếu đến với tâm linh mà tất cả mọi hoạt động chỉ xoay quanh tính toán, hiệu quả kinh tế? Ví dụ rất rõ là trong công viên đó sẽ có rất nhiều những khu vui chơi miến phí, các bãi biển miễn phí và sự đeo bám, chèo kéo khách là không thể chấp nhận. Cần tham khảo mô hình của những nước làm du lịch từ lâu: Họ không cần bán vé tham quan thật cao, họ chỉ cần du khách ngủ lại, ngủ thêm một đêm nữa và… nhớ đến món ăn, cảnh vật, con người của vùng đất nơi đây…?

Nên có một cuộc hội thảo toàn diện, sâu sắc về CVVHTL. Cái chúng ta thu được, tìm được sẽ rất lớn. Quan trọng hơn, Đà Nẵng dám làm khác với những thành phố khác; tại sao không thật sự khác hơn bằng những đột phá mạnh mẽ, độc đáo? Hãy thử hình dung rằng có nơi đâu trên trái đất này, bạn tìm được mộc-hỏa-thổ-kim-thủy ngay trên một vùng đất hay không? Nhà nghiên cứu sử học nổi tiếng Nguyễn Quang Trung Tiến cho biết rằng đá của Ngũ Hành Sơn có 5 màu sắc khác nhau(!). Đà Nẵng kỳ lạ và diệu tuyệt như thế, có lẽ nào ta không nghĩ và không phát triển một cách hiệu quả hơn?

ĐINH THIỆN

;
.
.
.
.
.