.

Cúp điện

Mặc dù chưa vào cao điểm mùa khô, nhưng lịch cúp điện vẫn được thông báo nhặt hơn, trên phạm vi cả nước. Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thì chuyện ăn đong, may rủi của người tiêu dùng – kinh doanh đối với điện sẽ là “chuyện bình thường” trong 3 tháng: Tháng 4, 5 và 6. Theo ông Đặng Hoàng An, Phó Tổng Giám đốc EVN thì phụ tải dự kiến đạt trung bình vào hai tháng 4 và 5 là 285 triệu kWh/ngày và tháng 6 là 297 triệu kWh/ngày, nhưng mức sản lượng điện phát tối đa chỉ đáp ứng 270, 275 và 285 triệu kWh/ngày. Tất nhiên, “lỗi” là do hạn hán.

Câu hỏi thứ nhất mà người tiêu dùng muốn hỏi EVN là cứ thiếu điện lại đổ cho hạn hán thì nghe xưa quá rồi, giống như kiểu “người lạ mặt quen thuộc”. Ai chẳng biết mùa khô hạn hán thì sản lượng thủy điện giảm là điều không tránh khỏi. Nhưng sinh ra EVN là để khắc phục những khó khăn mà ngành điện gặp phải sao khi hơi có chuyện là lại đổ cho ông Trời? Kinh doanh và nắm giữ nguồn năng lượng của một quốc gia không cho phép EVN đổ thừa cho cái “lý” đến hẹn lại lên. Những khó khăn phải được dự báo và nhất thiết phải có biện pháp khắc phục. Chuyện hạn hán đâu phải bây giờ ta mới biết? Nó có từ lâu rồi nên khắc phục cái khó đó phải là chuyện đương nhiên.

Thứ hai, kinh doanh ngành điện là phải lo cho đủ, cho đúng phận sự (bổn phận) của mình chứ không phải điện lo một mà resort, nhà hàng, điện thoại… lo mười. Nghĩ thật là buồn: Việc chính không lo mà EVN chỉ lo việc phụ. Lý lẽ cũng “giản dị” lắm: Việc phụ lắm lãi nhiều màu. Tại sao không nghĩ rằng nhiệm vụ kinh tế - chính trị của EVN là không được để xảy ra mất điện?

Thứ ba, tại sao đã ký hợp đồng mua điện của Trung Quốc mà giờ đây lãnh đạo EVN lại nói rằng việc Công ty Điện lực Vân Nam tạm ngừng cấp điện “là bất khả kháng”? Nếu như thế thì ký hợp đồng để làm gì? Đã có hợp đồng bán – mua thì nhất thiết ai vi phạm phải bồi thường. Hàng ngàn doanh nghiệp sống dở chết dở không biết phải kêu ai vì mất điện “bất đắc kỳ tử”. Ai sẽ bồi thường những khoản lỗ trông thấy ấy? Và, dù mất điện cả ngày hay vài ngày, các doanh nghiệp vẫn phải nộp thuế đủ là lẽ làm sao?

Thứ tư, EVN nói rằng sẽ thông báo chi tiết, cụ thể sẽ cắt điện ở đâu, lúc nào, thời gian bao lâu… Xem ra thật là dân chủ, công bằng. Vậy nhưng lại rào thêm câu cuối: “Tuy nhiên, một số trường hợp bất khả kháng, sẽ dẫn tới mất điện đột xuất”. Cách nói nước đôi đó khó chấp nhận bởi mọi sự đột xuất đều bắt nguồn từ “bất khả kháng” thì ai có lỗi đây?

Người dân mất điện có thể cắn răng mà chịu, nhưng thiệt hại về kinh tế trong kinh doanh, sản xuất là điều không thể cho qua. Chẳng lẽ ngành điện hết phương kế tạo nguồn cung cấp đủ điện cho đất nước dù hạn hán hay lũ lụt? Điệp khúc đổ cho trời không phải là cách làm đúng của bất kỳ nền kinh tế nào!            

HÀ VĂN THỊNH

;
.
.
.
.
.