.

Dân tin, dân theo, dân ủng hộ...

Trong Diễn văn đọc tại Lễ kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng (29-3-1975 – 29-3-2010), đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng đã nhấn mạnh rằng bài học quan trọng nhất của sự phát triển của Đà Nẵng trong những năm qua là “Đảng nói, dân tin; Mặt trận, đoàn thể vận động, dân theo; chính quyền làm, dân ủng hộ...

Cái được lớn nhất trong hơn mười năm qua là được lòng dân. Chính lòng dân ấy, chính sự đồng thuận ấy là nguồn lực mạnh mẽ ủng hộ, cổ vũ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố. Bài học tin ở dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân, hết lòng vì dân là bài học đầu tiên và muôn thuở...”.

Có thể nói rằng nguyên lý đó vừa là kết quả, vừa là mục đích kiên định của một chính quyền của dân, do dân và vì dân. Không một khó khăn và trở ngại, thách thức nào có thể ngăn được sự đi tới của một cộng đồng một khi những quyết định của những người lãnh đạo hợp với lòng dân.

Dẫn chứng về thành quả có rất nhiều, chỉ xin nhắc lại một ví dụ điển hình: Chỉ trong mấy tháng, cả một khu dân cư sầm uất đã được giải tỏa để tạo nên đường Nguyễn Văn Linh nối dài, rộng rãi, khang trang. Đó là thành công mà không phải thành phố nào cũng làm được.

Tuy nhiên, cũng cần phải nhấn mạnh rằng những điều mà đồng chí Nguyễn Bá Thanh đã nói bao gồm cả ý nghĩa nhắc nhở, cảnh báo về thực trạng của Đà Nẵng nói riêng, của cả nước nói chung; đó là việc để mọi người dân tin, theo, ủng hộ là khó vô cùng. Nói cách khác, Đà Nẵng đã bước đầu làm được điều đó nhưng sự thách thức vẫn còn rất nhiều.

Để được dân tin, người cán bộ phải nói đi đôi với làm là điều Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thường căn dặn. Thế nhưng, nếu cán bộ vẫn cứ cửa quyền, quan liêu và tắc trách thì không thể có được niềm tin trọn vẹn của dân. Một khi đặc quyền, đặc lợi được “hợp pháp hóa” thì niềm tin của lòng dân sẽ bị giảm sút.

Bên cạnh đó, khi các cán bộ của các tổ chức, đoàn thể không gương mẫu thì sự vận động để dân theo là điều bất khả thi. Làm cán bộ có nghĩa là phải chấp nhận hy sinh quyền lợi của cá nhân mình. Nếu không làm được điều này thì mọi sự vận động chỉ là hình thức.

Người dân khôn ngoan và tinh tế lắm. Họ biết rõ tất cả những gì đang xảy ra. Do vậy, mỗi cán bộ cơ sở phải là tấm gương, là biểu tượng của tinh thần tận tụy vì dân. Tuy nhiên, cũng phải lưu ý rằng người dân chỉ ủng hộ chính quyền khi tư tưởng thông suốt, khi lợi ích được điều tiết một cách hài hòa. Chẳng hạn, có những khu vực khó giải tỏa, đền bù là vì dân chưa thông (cán bộ và người dân chưa thống nhất, điều chỉnh đủ những hiểu lầm để sự thật sáng tỏ), dẫn đến những mâu thuẫn, bất cập không đáng có. Sự vận động quần chúng trong những trường hợp như thế đòi hỏi sự tận tâm và có tầm nhìn. Một khi dân đã theo thì sự ủng hộ, đồng thuận chỉ còn là vấn đề thời gian.

Đồng thuận không chỉ là mong ước mà phải được thực tế hóa, cụ thể hóa. Trong bối cảnh của nền kinh tế - xã hội phức tạp hiện nay, đồng thuận phải luôn được coi là yếu tố thứ nhất, cơ bản của mọi sự vận động, phát triển hiệu quả. Đà Nẵng đã thành công rất nhiều vì có được sự đồng thuận đó của lòng dân. Nhưng, để phát triển hơn nữa thì nỗ lực để hướng đến sự đồng thuận “hoàn hảo” vẫn là con đường rất dài. Một khi mỗi cán bộ thấm đủ, hiểu rõ những nguyên tắc của sự đồng thuận từ dân thì chỉ khi ấy, sự phát triển bền vững mới thật sự là hiện thực của niềm vui và hạnh phúc...

HÀ VĂN THỊNH

;
.
.
.
.
.