.

Doanh nghiệp né Bảo hiểm xã hội!

Doanh nghiệp né Bảo hiểm xã hội (BHXH) đang là vấn nạn trong việc triển khai thực hiện chính sách an sinh xã hội trên địa bàn thành phố. Theo BHXH thành phố Đà Nẵng, hai vấn đề nổi lên hiện nay trong lĩnh vực BHXH là số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp mà BHXH thành phố quản lý được thấp so với số đơn vị phải tham gia bảo hiểm xã hội.

Năm 2009, trên địa bàn Đà Nẵng chỉ có 2.571 đơn vị trong tổng số 5.415 đơn vị phải tham gia đóng bảo hiểm bắt buộc. Số người được đóng bảo hiểm xã hội cũng chỉ đạt 70,5% số người trong diện đóng bảo hiểm xã hội. Thứ 2 là tình trạng nợ bảo hiểm xã hội đang có xu hướng gia tăng và các biện pháp kiểm soát vẫn chưa thực sự hiệu quả. Hiện ở thành phố Đà Nẵng có 1.119 đơn vị sử dụng lao động nợ 58,41 tỷ đồng tiền bảo hiểm xã hội, trong đó nợ không có khả năng thu hồi gần 13,5 tỷ đồng!

Tình hình trên phản ánh nhiều bất cập đang tồn tại trong lĩnh vực này. Theo chúng tôi, công tác tuyên truyền Luật Bảo hiểm xã hội cũng như chiến lược an sinh xã hội chưa được coi trọng đúng mức. Nhận thức của một bộ phận người sử dụng lao động về quyền lợi của người lao động chưa thật đầy đủ.

Không ít người sử dụng lao động coi trọng lợi nhuận của mình mà quên mất lợi ích của cộng đồng, của người lao động. Họ sử dụng nhiều “chiêu” để né đóng BHXH cho người lao động như đóng BHXH chưa đúng với thu nhập thực tế mà người lao động được hưởng; chỉ đóng BHXH cho một bộ phận lao động trong đơn vị, mà số này chiếm tỷ lệ thấp, còn phần lớn người lao động thì không. Có không ít đơn vị kê khai thu nhập để đóng BHXH thấp so với thu nhập thực tế của người lao động; nhiều đơn vị, doanh nghiệp chia nhỏ thời gian hợp đồng lao động (dưới 3 tháng) để né đóng BHXH...

Về phía người lao động, do nhận thức chưa đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ của mình về chính sách BHXH nên một bộ phận người lao động còn thụ động, chưa mạnh dạn đấu tranh với người sử dụng lao động trong việc chấp hành Luật Bảo hiểm xã hội. Có lẽ đây là trở ngại lớn đối với người lao động trong việc tiếp cận với các chính sách an sinh xã hội. Nhiều trường hợp người lao động mất việc làm, ốm đau, thai sản hay qua đời vẫn không được sự hỗ trợ từ các chính sách an sinh xã hội là những bằng chứng cụ thể.

Tình trạng bất cập trong việc thực hiện chính sách BHXH còn cho thấy tính hiệu quả trong công tác phối hợp của các cơ quan chuyên môn và chức năng chưa cao. Công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực này liên quan đến nhiều cơ quan như Sở Kế hoạch-Đầu tư, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Cục Thống kê, Cục Thuế, tổ chức Công đoàn và đương nhiên là Bảo hiểm Xã hội thành phố. Tuy vậy, việc đưa ra con số các đơn vị, doanh nghiệp, người lao động phải đóng BHXH của các cơ quan này không giống nhau. Việc đi sâu nắm chắc tình hình hoạt động của các đơn vị, doanh nghiệp cũng như thu nhập người lao động lại càng khó khăn hơn. Sự thiếu phối hợp, hoặc phối hợp chưa chặt chẽ đã hạn chế hiệu quả vai trò quản lý Nhà nước đối với người lao động, gây thất thu trong BHXH, ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách an sinh xã hội.

BHXH là một bộ phận quan trọng của chính sách an sinh xã hội. Để một Đà Nẵng phát triển nhanh, bền vững, đồng thời với các chính sách thu hút đầu tư thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển... thì việc từng bước ổn định đời sống cho mọi thành viên trong xã hội có ý nghĩa quyết định. Có lẽ vì lý do đó mà thành phố chọn chủ đề năm 2010 là Năm giải tỏa-đền bù, tái định cư và an sinh xã hội. Để thực hiện tốt chủ trương này, đòi hỏi phải làm sao cho mọi người dân đều tiếp cận được với các chính sách an dân của thành phố; các thành viên trong xã hội, các nhóm lợi ích và thành phố cùng chung vai gánh vác, cộng đồng trách nhiệm chăm lo đời sống cho các tầng lớp nhân dân.

Vai trò của các doanh nghiệp trong việc thực hiên chính sách an dân là rất quan trọng. Để làm tốt chức năng từ thiện xã hội của mình, thiển nghĩ các doanh nghiệp trước hết phải thực hiện tốt các chính sách về an sinh xã hội nói chung và BHXH nói riêng.

QUÝ LÂM

;
.
.
.
.
.