.

Đừng đổ lỗi cho lao động nghèo!

Những gánh sữa đậu nành đang bị mổ xẻ vì nhiễm bẩn, vì hạt đậu nành biến đổi gen… Trong khi dư luận còn xôn xao quanh vấn đề này, thì có một điều rất thực đang diễn ra là nhiều người lao động kiếm sống bằng nghề bán sữa đậu nành bị tổn hại kinh tế do không ít người sẽ tạm thời ngưng uống sữa hoặc uống hạn chế hơn.

Mà đâu riêng sữa đậu nành, đồ ăn thức uống ở ta hễ kiểm tra tới đâu đều phát hiện sai phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm tới đó. Thực phẩm không an toàn xuất phát từ nhiều khâu. Tuy nhiên, dễ nhận thấy, khi một sản phẩm nào đó vỡ lở thì người “lãnh đủ”, tức đối tượng bị soi mói, bị quy tội nhiều nhất chẳng ai khác hơn là người trực tiếp buôn bán sản phẩm đó. Ở đây, người bán sữa đậu nành là ví dụ. Vụ nước tương nghi nhiễm chất gây ung thư, hay gần hơn là kẹo phát sáng gây ung thư cũng thế. Thiên hạ đổ dồn kết tội “vô lương tâm” đối với những người buôn bán các mặt hàng này.

Thử đặt mình vào vị trí những con người “vô lương tâm” ấy để thấm thía việc bị thu hồi, bị tiêu hủy hàng hóa, chưa kể còn chịu các hình thức xử phạt khác. Họ bị lỗ vốn và mất uy tín chỉ vì cái “tội” không có đôi mắt tinh anh cỡ… Tề Thiên Đại Thánh để nhìn xuyên thấu và đánh giá những thứ mình mua đi, bán lại. Trong số những con người ham của rẻ, biết độc hại nhưng vẫn làm kiếm lời, còn rất nhiều người lao động chân chất khác mong mỏi kiếm sống một cách đàng hoàng, chân chính. Họ xứng đáng được cung cấp thông tin về các mặt hàng đang được lưu thông trên thị trường nhằm đưa ra sự lựa chọn. Nói nôm na, họ có quyền và cần biết cái nào tốt, cái nào xấu để nên mua hay nên tránh.

Thực tế thì sao? Mọi thứ trôi nổi trên thị trường trông có vẻ rất công khai, nhưng lại quá lập lờ. Kiểm tra ra thì bảo đó là hàng cấm lưu thông, nhưng sao vẫn để nó tồn tại một cách tràn lan và gần như có thể “đè bẹp” các sản phẩm khác cùng chủng loại? Và cuối cùng, những người lao động làm ăn chân chính trở thành kẻ mắc bẫy trên thương trường, mà người giăng bẫy không ai khác chính là các cơ quan chức năng, khi sự quản lý nguồn nguyên liệu nhập khẩu hoặc nguyên liệu đầu vào quá lỏng lẻo.

Cô bán tạp hóa tại chợ đã bình thản nộp lại tất cả lô nước tương mới mua cho đại lý. Cô còn bảo: “Hú hồn, biết độc vậy chẳng bán cho ai làm gì thêm mang tội”. Một người bán kẹo nói: “Nếu biết cái thứ phát sáng này có thể gây bệnh ung thư thì đã không mua về bán cho mấy đứa con nít. Mình cũng làm bà, làm mẹ mà”. Tôi đã tận tai nghe tất cả những lời nói ấy và tin đó là sự giãi bày rất thật.

Trở lại câu chuyện người bán sữa, nếu (Vâng, lại... nếu!) các cơ quan chức năng sàng lọc ngay từ đầu loại hạt nào được phép chế biến bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng, thì biết đâu, giờ này sẽ không có những tiếng thở dài nén nỗi lo lắng khi miếng cơm, tiền học… đều trông chờ vào gánh sữa đậu nành sớm tối.

Thu Hoa

;
.
.
.
.
.