.

Không lẽ chỉ khiếu nại?

Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh số ra ngày 23-4-2010 có bài viết nhan đề: “Đà Nẵng sẽ khiếu nại đòi lượng nước cho dòng Vu Gia”. Đây là một bài viết khá chi tiết về thông tin và cụ thể về các nhân chứng thông qua Hội thảo khoa học do Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng cùng Công ty cổ phần Thủy điện A Vương (từ đây gọi tắt là A Vương) tổ chức ngày 22-4-2010.

Điều khó hiểu thứ nhất là tại sao cho đến tận bây giờ A Vương vẫn cứ khăng khăng là mình đã và đang “góp phần chống hạn” trong khi thực tế và các luận chứng khoa học đều phản ánh ngược lại? Điều khó hiểu thứ hai là ngay từ ngày 11-6-2009, trong cuộc họp liên ngành - địa phương do Bộ Công thương chủ trì, chính Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào đã khẳng định: “Bắt buộc duy trì nguyên tắc phải trả nước sông ĐăkMi về lại sông Vu Gia. Lượng nước trả bao nhiêu sẽ được tính toán cụ thể nhưng phải theo hướng không xấu hơn so với tự nhiên khi chưa xây dựng đập ở nhà máy thủy điện ĐăkMi 4” (Vietnam Net, 11-6-2009).

Lệnh của Bộ Công thương như thế là rõ ràng - A Vương nhất thiết phải trả lại nguyên trạng lượng nước tự nhiên của  sông Vu Gia. “Tính toán cụ thể” chỉ là một cách nói mà thôi, nó không thể dùng để khỏa lấp nguyên tắc “không xấu hơn so với tự nhiên khi chưa xây dựng đập”. Điều thứ ba là A Vương có biết rằng việc các đập thủy điện của nước láng giềng nắn lại dòng chảy, tích nước cho mình bất kể đời sống, môi sinh của cư dân 5 nước còn lại trên dòng Mê Kông đã gây ra những hậu quả trầm trọng như thế nào không? Nhưng đó là cái “lý” thiển cận và ích kỷ của người ta, còn đây là chuyện ta làm thủy điện cho ta, ta phải lo đến nhu cầu sống của hàng triệu người dân một thành phố lớn đang phát triển rất nhanh.

Thử hình dung khi Đà Nẵng tăng thêm vài chục vạn dân nữa thì hậu quả sẽ lớn đến mức nào? Không chỉ nói - bàn về chuyện khô hạn hôm nay mà phải tính đến những nguy cơ của hàng chục năm sau. Điều thứ tư là A Vương đang đổ lỗi cho tình trạng khô hạn chung của cả nước để bào chữa cho cái sai của mình. Đó là cách làm thiếu trách nhiệm. Không ai có quyền nắn dòng chảy, hoặc chuyển lượng nước từ một vùng này sang một vùng khác bởi sự phá vỡ phong thủy, phá vỡ cái hình thái hàng triệu năm của sự giao hòa tự nhiên giữa trời và đất sẽ dẫn đến rất nhiều hậu quả mà một sớm, một chiều chưa thể hình dung được.

Tại sao A Vương không biết rằng sự phát triển, ổn định của bất kỳ vùng đất nào là nước phải trong, đủ, sạch và gió phải thoáng, phải lành? Phong thủy chính là “gió thổi và nước chảy” đó. Không có phong thủy thì không thể đạt đến phong lưu - Người phong lưu có nghĩa là người có đủ sự hài hòa của nước chảy và gió thổi một cách yên lành. Điều thứ năm, cả lý và tình Đà Nẵng đều có đủ, tại sao ta chỉ khiếu nại mà thôi? Tại sao không buộc A Vương phải thi hành lệnh của Bộ Công thương như đã nói ở trên? Một chính quyền, một địa phương không thể cứ năm này sang năm khác đi khiếu nại một công ty cổ phần nào đó! Chẳng hạn, do sông Vu Gia không có nước, Nhà máy nước Cầu Đỏ phải tìm nguồn nước khác làm tăng giá thành lên 3-4 lần, người dân Đà Nẵng phải gánh chịu trong khi A Vương hưởng lợi về chi phí thiết kế và xây dựng lại đường dẫn nước là cái lý làm sao?

Ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Đà Nẵng khẳng định rằng “Đà Nẵng sẽ theo đến cùng về nguồn nước ở công trình thủy điện ĐăkMi 4” và “tiếp tục khiếu nại lên Chính phủ”. Đó là lộ trình phải làm theo nguyên tắc tổ chức hành chính, nhưng như thế vẫn là chưa đủ. Việc khiếu nại dây dưa hàng năm trời ảnh hưởng rất nhiều đến công việc của một địa phương, điều kiện sống của người dân, tương lai của một thành phố. Tại sao không thể khởi kiện một doanh nghiệp khi doanh nghiệp đó gây phương hại nhiều mặt và trầm trọng đến cảnh quan, môi trường sống?

Coi nhẹ phong thủy là một trong những sai lầm lớn nhất của con người. Thực tế của động đất, lũ lụt, hạn hán, bão tố đã minh chứng điều đó. Không tính đến hoặc không tính đủ mối nguy hàng chục năm sau là điều khó chấp nhận. Chẳng lẽ A Vương cứ bất chấp thực tế, dư luận, ý kiến chỉ đạo, để một mình ngang dọc, tự ý tung hoành? Quốc pháp, gia quy là điều thời nào cũng phải có. Nhất thiết phải buộc A Vương trả ngay và trả đủ nước cho sông Vu Gia như trước kia nó đã từng là...

ĐINH THIỆN

;
.
.
.
.
.