Báo Đà Nẵng vừa qua liên tiếp đưa những tin tức về các tồn tại của nạn ô nhiễm môi trường trong thành phố, khiến nhiều bạn đọc khá bức xúc.
1- Tuyến kênh “đen” giữa phố. “Kể từ khi đổ đất san lấp khu vực đầm lầy, ngập nước ở phía Tây Nam đường Trưng Nữ Vương, xây dựng khu dân cư Nguyễn Tri Phương 1 nối dài đường Nguyễn Tri Phương… kết hợp với việc người dân xây dựng, cơi nới nhà cửa lấn chiếm dần hai bên bờ, tuyến kênh thoát nước từ sân bay Đà Nẵng đổ ra sông Cẩm Lệ đoạn chảy qua các tổ 27, 26, 25, 24 và 23, phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu trở thành điểm nóng về vệ sinh môi trường vào mùa nắng và gây ngập lụt cục bộ cho cả khu vực dân cư này khi trời mưa lớn...”.
2- “Sân bay Đà Nẵng là một điểm nóng ô nhiễm chất độc da cam/dioxin và đã được các cơ quan chức năng khuyến cáo, song nhiều người dân vẫn vô tư trồng rau muống, môn nước, đặc biệt là đánh bắt cá trong các kênh, ao hồ dẫn nước từ sân bay. Theo Văn phòng 33 - Bộ Tài nguyên và Môi trường, chất độc da cam/dioxin từ các khu vực ô nhiễm vẫn có thể theo nước mưa chảy vào các hồ ao lân cận. Còn theo kết quả nghiên cứu của dự án ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin đối với môi trường và người dân sống tại khu vực Sân bay Đà Nẵng do Công ty Hatfield Consultants (Canada) công bố ngày 11-9-2009, nồng độ dioxin tại khu vực sân bay Đà Nẵng cao gấp 300- 400 lần tiêu chuẩn quốc tế...”.
3- Xà bần “tấn công” các trục đường vắng. “Sau một thời gian tạm lắng, gần đây, nhiều tuyến đường nằm trong các khu dân cư mới lại bị xà bần, rác “tấn công” trở lại. Hầu hết việc đổ xà bần, rác diễn ra ban đêm, nên cơ quan chức năng khó xử lý. Dạo quanh các khu dân cư mới còn thưa nhà ở tại các quận như Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Liên Chiểu…, tình hình này diễn ra rất phổ biến. Hầu hết người dân đều rất bức xúc trước tình trạng này, thế nhưng chính họ cũng là nạn nhân của nhau, bởi khi có nhu cầu, họ vẫn “vô tư” đổ xà bần, rác vào các lô đất trống. Hoặc họ thuê chở xà bần nhà mình đi, còn người được thuê muốn đổ đâu họ không quan tâm. Về phía người chở thuê, để tiết kiệm công sức, họ chỉ chở xà bần và rác đến nơi nào gần nhất là trút vội...”.
Một trong ba tin trên liên quan đến chất độc da cam, là hậu quả của chiến tranh. Nhưng rất tiếc kết luận khoa học công bố từ quý 3 năm ngoái nhưng người dân vẫn không biết, đến nỗi họ vẫn trồng rau, câu cá trên các dòng nước chảy ra từ khu vực nhiễm độc. Khi được cảnh báo, thì một số người lại làm ngơ và tiếp tục “đánh bạc” với sự nguy hiểm. Theo chúng tôi được biết, nhiều người trong số đó đã mang rau, mang cá ra bán ở các chợ, vô tư gieo rắc hiểm họa cho người khác!
Hai tin còn lại về “tuyến kênh đen” và “nạn đổ xà bần” lại thuộc trách nhiệm của các đơn vị quản lý đô thị. Sự thiếu trách nhiệm và lỏng lẻo trong công tác quản lý đô thị luôn được các cơ quan thông tấn cảnh báo nhiều lần, nhưng vẫn chậm được khắc phục. Còn nhớ ô nhiễm ở các khu dân cư quanh Khu công nghiệp Hòa Khánh, sông Phú Lộc, nước thải hôi thối chảy ra sông Hàn đã được nhắc đi nhắc lại từ cuộc họp HĐND khóa này qua khóa khác, nhưng việc giải quyết, khắc phục diễn ra quá chậm chạp.
Ngay trên đường giao thông chính là Trưng Nữ Vương, cách Ủy ban Nhân dân và đồn công an phường chỉ 50 mét, cả một đoạn lề đường dài vẫn là nơi đổ các loại xà bần, vật liệu xây dựng và tập kết rác công khai từ nhiều năm qua, người dân nhiều lần kiến nghị, nhưng có thay đổi được gì. Công ty Điện lực 3 (nay là Tổng Công ty Điện lực miền Trung) cách đây mấy năm đã đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng tường rào, trồng cây xanh và lát lề đường sạch đẹp, nhưng do buông lỏng quản lý nên vấn nạn trên vẫn tái diễn cho đến nay. Tôi quan sát thấy, các xe tải lớn vẫn ngang nhiên chạy vào khu vực này để đổ vật liệu mặc dù đây là đoạn đường cấm xe tải. Nhiều người đi đường mang rác ném ra ngoài các thùng rác vẫn cảm thấy họ chẳng tội tình gì?
Một thành phố môi trường, có nếp sống văn minh, hiện đại là mục tiêu phấn đấu của Đà Nẵng trong những năm tới. Thành phố đó, vì vậy không thể chấp nhận những cư dân thiếu ý thức vì cộng đồng và môi trường, cũng như không chấp nhận sự hiện diện của những công chức, cán bộ liên quan đến công tác quản lý đô thị không hết lòng với phận sự được giao phó.
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG
.
.
Lại chuyện môi trường
Thứ Sáu, 16/04/2010, 07:55 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.