.

Những chuyện đáng tiếc!

Thành phố Đà Nẵng có những đổi thay được dư luận đánh giá cao, trong đó có vấn đề chất lượng cuộc sống trong hơn ba chục năm qua. Kinh tế phát triển, không gian đô thị và hạ tầng kỹ thuật tăng lên đáng kể, môi trường không khí trong lành, bờ biển đẹp bên cạnh núi rừng xanh tươi, không có nạn kẹt xe như nhiều đô thị lớn khác... Đó là những điều kiện khá lý tưởng hiện nay nếu đem so với Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, và nhiều đô thị loại 1 khác trong cả nước.

Tôi có một người bạn là nhà thơ N.V.C ở Hà Nội. Lần vào Đà Nẵng cách đây nửa tháng, anh cũng đã quyết định mua đất làm nhà và đưa cả vợ con vào định cư ở Đà Nẵng chỉ vì nơi đây không kẹt xe và có bãi biển đẹp. Cứ nhìn vào con số những người từ các thành phố khác đến Đà Nẵng mua đất, mua nhà đang tăng lên gần đây sẽ thấy nhận định trên là không sai. Nhưng còn có những chuyện đáng tiếc ở Đà Nẵng mà nếu chúng ta cùng chung tay lo lắng, thì cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn.

Cách đây vài năm, cựu Giám đốc Bệnh viện C là cụ Lê Ngoạn trong lúc tập thể dục buổi sáng sớm đã bị xe máy tông ngã và bỏ chạy. Khi đưa được cụ đi cấp cứu thì đã muộn. Nhà thơ Trần Khắc Tám đi bộ trên đường 2 Tháng 9, vừa bước xuống lề đã bị chiếc Honda không đèn, chở cồng kềnh kéo ngã và không thể cứu được. Cách đây vài hôm, nhà báo Nguyễn Thanh Lâm ở báo Nông thôn Ngày nay cũng bị xe máy đâm ngã bị chấn thương sọ não và đang được các bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng cứu chữa trong tình trạng thập tử nhất sinh. Nhiều trường hợp tương tự như vậy thỉnh thoảng vẫn xảy ra đối với những người đi tập thể dục buổi sáng trên những con đường của thành phố. Nếu để ý kỹ, ta sẽ thấy những tai nạn đáng tiếc đó xảy ra do một số nguyên nhân: Lề đường bị lấn chiếm khiến người đi bộ phải tránh xuống lòng đường, đèn đường bị tắt quá sớm-nhất là ở những đoạn ngã ba, ngã tư, và quan trọng hơn là có quá nhiều trường hợp xe máy, xe ba gác máy chở cồng kềnh và không có đèn chạy trên đường vào chạng vạng tối và khoảng từ 4 -  5 giờ sáng.

Tựu trung, những lý do trên đều bắt nguồn từ công tác quản lý đô thị đôi khi còn lỏng lẻo hoặc máy móc và ý thức tôn trọng luật pháp của một số người còn quá yếu. Thử hỏi tại sao vẫn còn nhiều chỗ lề đường bị chiếm dụng, đổ đất đá, kê tủ bàn bán hàng thâu đêm mà không bị lực lượng dân phòng địa phương nhắc nhở, xử lý? Vì sao Cảnh sát giao thông chỉ làm việc trong giờ hành chính hoặc khi có chiến dịch, để tình trạng vi phạm luật giao thông xảy ra vào những thời khắc nhạy cảm như vậy? Vì sao việc tiết kiệm điện chiếu sáng bị cào bằng ở mọi chỗ mà không ưu tiên trừ đi cho những nơi có đường giao nhau khi trời chưa sáng hẳn?

Viết những dòng này, tôi cho rằng đó không phải là “mấy chuyện nhỏ”, bởi nó động chạm đến nguyên lý liên tục trong quản lý hành chính và trật tự xã hội. Những tai nạn đáng tiếc xảy ra cho một cá nhân kia còn kéo theo số phận của cả gia đình họ, cũng có nghĩa là ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Và khắc phục được những tồn tại trên sẽ không khó nếu chúng ta có trách nhiệm hơn, luôn nghĩ đến dân hơn trong khi thi hành công vụ. Khi đó, Đà Nẵng sẽ là một thành phố đẹp, đáng chọn lựa hơn!

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

;
.
.
.
.
.