Hôm rồi, trên trang thể thao Báo Đà Nẵng giới thiệu hai hạt giống đầy triển vọng của thể thao thành phố: Vận động viên bơi lội Hoàng Quý Phước và cầu thủ bóng đá trẻ Nguyễn Thái Sung.
Quý Phước được phát hiện cách đây vài ba năm, như một “dị nhân sông Hàn” và tại giải bơi lội toàn quốc trong bể vừa qua, VĐV trẻ này đã giành đến 9 HCV, trong đó có 6 HCV cá nhân và lập đến 9 kỷ lục quốc gia. Trong lúc đó, cầu thủ bóng đá trẻ Nguyễn Thái Sung, một thành viên của đội tuyển U17 Quốc gia đã được chính thức chọn làm học viên của Học viện Bóng đá Aspire Qatar thuộc chương trình “Giấc mơ sân cỏ” kéo dài 3 năm do các chuyên gia của CLB lừng danh Barcelona đào tạo...
Hãy nhớ lại: Năm 2003, từ một chú bé có năng khiếu trên bãi biển Mỹ Khê, Hoàng Quý Phước chỉ là một học sinh đại diện cho Trường tiểu học Ngô Mây tham dự Hội khỏe Phù Đổng quận Sơn Trà, sau đó là giải thành phố. HLV Phan Văn Toại, người thầy dạy bơi đầu tiên của Phước kể: Năm 2004, trong ngày thi đấu giải bơi học sinh tiểu học, một cậu bé cao lêu đêu vừa xem bơi vừa nhảy lên hò hét, vỗ tay động viên bạn. Tò mò đến gần, thấy cậu bé có tay, chân, ngón tay, ngón chân dài ngoằng. Ông Toại mừng như bắt được vàng: “Viên ngọc đây rồi”!
Và bây giờ, Phước đang nuôi ước mơ trở thành một kình ngư vô địch thế giới Micheal Phelps của nước Mỹ. Còn Thái Sung, cậu học sinh của Trường Nguyễn Hiền, con của một gia đình viên chức nghèo đã về hưu, từng bị loại khi thi tuyển vào đội bóng năng khiếu năm 11 tuổi. HLV Võ Phước đã có công phát hiện những phẩm chất bẩm sinh để nhận em vào trường sau đó... Để rồi chính thức đứng trong đội hình trẻ của SHB Đà Nẵng và đội tuyển U16 quốc gia. Trước ngưỡng cửa Học viện Aspire, Thái Sung không ngần ngại bày tỏ niềm tin sẽ trở thành một Park Ji Sung của đội tuyển Hàn Quốc và CLB nổi tiếng M.U. của giải ngoại hạng Anh... Giấc mơ đó của hai em có thể nhìn nhận như một nỗ lực hội nhập để mang lại tiếng tăm cho đất nước từ những cá nhân, lại cần được trân trọng hơn.
Thời gian phía trước hãy còn dài cho những ước mơ và nỗ lực của hai hạt giống Thái Sung và Quý Phước thành hiện thực. Tôi nhắc lại những gì liên quan đến “thân thế” của hai em để thấy rằng, nhân tài trong xã hội không thiếu, nhưng phát hiện và nuôi dưỡng nhân tài là điều quan trọng của mọi thời đại. Quan trọng hơn là biết đặt tầm ngắm rộng mở vào mọi tầng lớp trong xã hội để phát hiện năng khiếu, không phân biệt nguồn gốc, thành phần (được gọi là đầu vào) như đãi cát tìm cho ra vàng vậy.
Và, nếu kể thêm các hạt giống khác trong vài năm nay như Nguyễn Bá Cảnh Sơn, HCB Vật lý Quốc tế 2008 hay vừa qua là thành tích xuất sắc của tập thể đội tuyển học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn tại kỳ thi Olympic toàn quốc... chúng ta tin rằng Đà Nẵng đã có cách làm đúng và cần thiết để ươm được những hạt giống nhân tài cho tương lai và mục tiêu phát triển của thành phố mình.
Vấn đề còn lại là, chính sự trui rèn của mỗi cá nhân, cùng sự giúp đỡ cần thiết của gia đình để những nhân tài tương lai không đi chệch con đường tới giấc mơ của mình.
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG
.
.
Phát hiện và nuôi dưỡng nhân tài
Thứ Tư, 07/04/2010, 07:53 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.