Cuộc bầu chọn “Nhà giáo được học sinh yêu quý nhất” năm học 2009-2010 của Bộ GD-ĐT tuy mới được triển khai nhưng vấp phải phản ứng của chính những người trong cuộc.
Câu hỏi được đặt ra là học sinh sẽ theo tiêu chí nào để bình chọn, hay hoàn toàn dựa vào cảm quan. Hơn nữa, cuộc bầu chọn dự kiến áp dụng ở các cấp học, nghĩa là cả học sinh tiểu học, THCS cũng sẽ tham gia bầu chọn thầy, cô mà mình yêu thích nhất. Nhưng lứa tuổi này hoàn toàn chưa đủ chín chắn để ý thức về ý nghĩa của cuộc bầu chọn và trách nhiệm của mình khi tham gia bầu chọn. Ngay cả học sinh THPT cũng thường đánh giá thầy cô qua sự yêu - ghét của bản thân.
Trong khi thực tế, một giáo viên giỏi, lại nghiêm khắc với học sinh với mong muốn đào tạo nên những thế hệ vừa hồng vừa chuyên, thì chưa chắc được nhiều học sinh yêu mến. Trái lại, nhiều giáo viên dạy hời hợt, dễ dãi, đánh giá năng lực học tập bằng điểm số qua loa có khi được học sinh yêu thích hơn. Và như thế, người xứng đáng thì không được chọn, người chưa xứng đáng hay không xứng đáng lại được, rồi nhiều người cùng xứng đáng nhưng chỉ có thể chọn một. Thế là mâu thuẫn, bất đồng, rồi biết đâu sẽ có chuyện “chạy”... danh hiệu.
Thật đáng quý biết bao nếu một cô giáo vừa giỏi chuyên môn, lại vừa có khả năng cảm hóa những học sinh cá biệt, giáo dục các em ý thức trách nhiệm đối với tương lai, đóng góp của bản thân với gia đình và xã hội để vươn lên trở thành một công dân mẫu mực. Nguyên hiệu trưởng của một trường THPT ở TP. Đà Nẵng từng khẳng định: “Nếu phải đuổi học một em học sinh thì đó là thất bại của những người làm nghề dạy học”.
Sự quan tâm và tình yêu thương của thầy cô giáo đã chắp cánh không biết bao nhiêu học sinh bước vào đời. Vì thế, không ít học sinh cá biệt khi ra trường vẫn nhớ và tri ân thầy cô giáo cũ của mình. Tình cảm học trò chính là niềm vui, hạnh phúc của những người đứng trên bục giảng. GS-TS Trần Trung Tá, nguyên Chủ nhiệm khoa Văn Trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, hoàn toàn có lý khi cho rằng: “Đối với giáo viên, tình cảm yêu thương của học trò dành cho mình là quan trọng nhất, người tâm huyết sẽ không cần đến danh hiệu” (Báo Người Lao Động, 12-4-2010).
Dường như Bộ GD-ĐT nghĩ chưa chín khi đưa ra cuộc bầu chọn này. Xét về mặt ý nghĩa, đây là việc làm tích cực nhằm biểu dương những nhà giáo sáng tạo trong giảng dạy, đồng thời khuyến khích thầy cô phát huy vai trò, trách nhiệm trong thiên chức trồng người của mình. Tuy nhiên, thật khó để định lượng thế nào là “yêu quý nhất”!
TÚ PHƯƠNG
.
.
Thiên chức và danh hiệu
Thứ Tư, 14/04/2010, 07:47 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.