.

Văn hóa đọc

Trong bài báo viết về Thư viện Đà Nẵng (Báo Đà Nẵng 19-4-2010), tác giả Thanh Bình cho biết mỗi ngày thư viện phục vụ khoảng 250-300 bạn đọc, cơ sở vật chất rất kém, sách thì phải cột lại từng bó vì không có giá, địa điểm thì thơ mộng nhưng những điều phục vụ cho cái sự đọc thì gần như bằng không...

Trước hết, phải thấy rằng đây không chỉ là chuyện riêng của Đà Nẵng mà là chung của nhiều nơi. Nếu mở một cuộc điều tra chi tiết, toàn diện về “văn hóa đọc sách” thì sẽ thấy rằng giới trẻ thời nay ít đọc sách một cách đáng kinh ngạc. Thời đại của Net đã làm cho không ít người lầm tưởng rằng vào mạng tức là đã đọc rồi (?). Mạng chỉ là thông tin (chỉ là một phần của kiến thức mà thôi) chứ không thể và không bao giờ thay thế được việc đọc sách. Không phải ngẫu nhiên mà Cụ Nguyễn Du viết Cảo thơm lần giở trước đèn. Đọc sách hay phải trân trọng, nghiền ngẫm để sáng cái “ánh đèn” của nhận thức, net không thể có. Chẳng ai có thể ngồi nhiều giờ để đọc sách trên mạng (trừ trường hợp rất đặc biệt) nên có thể khẳng định rằng việc đọc sách ở nhà, ở thư viện sẽ là yếu tố quyết định đến nền tảng, bề dày của hiểu biết.

Có một nhà thông thái cho rằng, đến một thành phố, chỉ cần đi 3 địa điểm là đủ để biết một cách khái quát về cư dân của vùng đất đó: Chợ, các quầy báo và thư viện. Hai yếu tố đầu thì Đà Nẵng đã có (về kinh tế, về sự quan tâm của người dân đến cuộc sống hiện tại) nhưng yếu tố thứ ba thì quả là điều đáng bàn. Thư viện là bề sâu, bề dày (và cũng là bề nổi) về văn hóa của một thành phố. Sự trân trọng, quan tâm của chính quyền địa phương đối với việc định hướng, xây dựng cơ sở vật chất, tạo nên môi trường, cảnh quan - tác động trực tiếp đến nhu cầu đọc, kích thích nhu cầu đó là cực kỳ quan trọng. Mô hình của nhiều thư viện trên thế giới cho thấy đó là sự kết hợp đồng bộ với rất nhiều hoạt động văn hóa tương tác khác như công viên, các loại hình giải trí văn hóa, siêu thị...

Bài báo của tác giả Thanh Bình cho biết là đã có một Đề án cho Thư viện mới của Đà Nẵng. Xét về tổng thể, đó là một mô hình rất đẹp, rất lý tưởng cho người Đà Nẵng đọc sách. Thế nhưng bao giờ mới triển khai đề án đó và lúc nào xong thì lại là điều rất đáng bàn. Ở đây, từ chuyện của Thư viện, cần phải mở rộng ra rằng Đà Nẵng là một thành phố trẻ nên thiếu cái bề dày văn hóa hàng trăm năm như nhiều thành phố khác là một thực tế. Nâng cao tầm văn hóa của một thành phố luôn luôn là điều không dễ dàng, đòi hỏi thời gian và công sức của nhiều thế hệ. Và, trong cái tổng thể văn hóa nhiều lớp, nhiều tầng ấy, thư viện giống như là cái xương sống (trụ cột) của văn hóa (cụ thể là văn hóa đọc). Xin lấy một ví dụ cụ thể về Hà Nội: Ai đã một lần ra Hà Nội sẽ không thể quên cảnh các cụ già xếp hàng chờ mua báo và các thư viện luôn luôn chật kín người. Những hình ảnh đó phản ánh rằng cái bề sâu và tầm rộng của văn hóa Hà Nội được nuôi dưỡng bền bỉ và đáng suy ngẫm như thế nào!

Văn hóa Net, hiểu theo một nghĩa nào đó là dạng “văn hóa” của xô bồ, chụp giựt thông tin. Nếu phải ví von thì đó là sản phẩm, là hàng hóa. Còn đọc để nghiền ngẫm, tích lũy là những máy móc làm ra các sản phẩm đó. Mối quan hệ giữa hai cái tất nhiên không thể rạch ròi nhưng nếu nghĩ xa hơn một chút thì ta tạm hiểu rằng nếu không có cái nền tích lũy từ việc đọc thì không thể có bề sâu của văn hóa.

Thư viện không ồn ào và không phô trương như các hoạt động văn hóa khác nhưng thiếu nó cũng là thiếu mảnh đất màu mỡ để nuôi dưỡng tâm hồn, trí tuệ của một miền đất. Một triết gia có ví von rằng một khi văn hóa đọc lụi tàn thì văn hóa sống với đúng nghĩa của nó cũng trở nên tiêu điều...

Hà Văn Thịnh

;
.
.
.
.
.