.

Đừng để bùng phát dịch

Hiện tại, dịch heo tai xanh đã bùng phát tại 12 tỉnh, thành trong cả nước; khoảng 70 nghìn con heo bị nhiễm bệnh, trong đó gần 20 nghìn con đã chết hoặc tiêu hủy. Dịch cúm gia cầm cũng đã bùng phát tại một số địa phương như Quảng Ngãi, Đồng Tháp… Nguy cơ dịch lây lan sang các địa phương khác rất lớn, khi mà ý thức phòng chống dịch trong một bộ phận người dân chưa cao; công tác chống dịch ở một số địa phương chưa triệt để và hiệu quả; tình trạng vận chuyển gia súc, gia cầm từ vùng dịch đến tiêu thụ tại các địa phương khác diễn ra khá phức tạp.

Ở thành phố Đà Nẵng, dịch heo tai xanh, dịch cúm gia cầm đã từng xảy ra làm hoạt động chăn nuôi điêu đứng; người dân luôn sống trong tâm trạng nơm nớp lo sợ dịch bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống; các ban, ngành, địa phương phải triển khai chống dịch rất vất vả và tốn kém. Vài ba năm trở lại đây, trên địa bàn thành phố dịch bệnh không xảy ra, hoạt động chăn nuôi phát triển, thị trường ổn định, người dân yên tâm, phấn khởi. Tuy vậy, không ai dám chắc những dịch nguy hiểm này không tái bùng phát khi nó đang diễn ra hết sức phức tạp tại nhiều địa phương, trong đó có tỉnh Quảng Nam kế cận.

Phải xác định rằng, nguy cơ bùng phát dịch trên gia súc, gia cầm ở thành phố Đà Nẵng rất cao vì ngày nào cũng có hàng trăm con heo, bò; hàng nghìn con gà, vịt từ các địa phương khác chuyển đến. Mặc dù công tác kiểm dịch tại các của ngõ ra vào thành phố triển khai khá chặt chẽ, song vẫn khó ngăn chặn triệt để tình trạng gia súc, gia cầm nhiễm bệnh từ vùng dịch vận chuyển vào địa bàn thành phố. Sau mấy năm an toàn về dịch bệnh, tâm lý chủ quan coi thường dịch xuất hiện không chỉ trong nhân dân mà cả ở những người thực thi nhiệm vụ phòng chống dịch. Tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ trong các khu dân cư vẫn diễn ra khá phổ biến, thịt gia súc, gia cầm không có dấu kiểm dịch bày bán khá nhiều trên thị trường, tỷ lệ gia súc, gia cầm được tiêm phòng chưa cao...

Chủ động phòng dịch luôn là yếu tố có ý nghĩa quyết định đến sự an toàn dịch bệnh. Trước thực trạng dịch bệnh bùng phát và lan rộng rất phức tạp tại nhiều địa phương, UBND thành phố đã có văn bản chỉ đạo cơ quan chức năng, các địa phương triển khai cấp bách các biện pháp phòng chống. Tuy vậy, hiện tại ở một số địa phương công tác phòng chống dịch chưa được chú trọng đúng mức.

Đừng để nước đến chân mới nhảy. Đừng để dịch bùng phát trên diện rộng mới huy động mọi nguồn lực đối phó. Trong các giải pháp phòng dịch, khâu kiểm tra kiểm soát gia súc, gia cầm nhập về thành phố hết sức quan trọng. Bên cạnh việc triển khai kiểm tra, kiểm soát đến nơi đến chốn, tiêu độc khử trùng phương tiện, gia súc gia cầm cẩn thận, không thể coi nhẹ việc vận chuyển qua các tuyến đường liên xã giữa các địa bàn giáp ranh; kiên quyết đấu tranh chống kiểu kinh doanh buôn bán chạy theo lợi nhuận mà bất chấp hậu quả dịch bệnh.

Cùng theo đó, đẩy mạnh việc tiêu độc khử trùng chuồng trại, các ổ dịch cũ, các cơ sở giết mổ, buôn bán gia súc, gia cầm, thực hiện triệt để việc tiêm phòng sẽ góp phần rất lớn ngăn chặn dịch phát sinh. Không ai khác mà Chi cục Thú y là cơ quan trực tiếp thực hiện và giám sát lĩnh vực này, để 100% hộ, trang trại chăn nuôi trên địa bàn triển khai việc tiêu độc khử trùng chuồng trại, tiêm phòng gia súc, gia cầm theo quy định.

Cùng với việc triển khai các giải pháp phòng dịch từ xa, cơ quan chức năng cần có các giải pháp đối phó với dịch bệnh để  khi tình huống xảy ra không bị động, lúng túng. Quy định tiêu hủy gia súc, gia cầm, hỗ trợ cho người chăn nuôi phải thông báo công khai, rõ ràng để khi dịch phát sinh không ai giấu dịch hoặc vất xác động vật chết bừa bãi gây ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh. Với người dân, góp phần phòng chống dịch trên gia súc, gia cầm, tốt nhất là chỉ mua gia súc, gia cầm và sản phẩm của chúng khi biết rõ nguồn gốc, được cơ quan chức năng kiểm dịch chu đáo. Dịch bệnh sẽ không phát sinh trên địa bàn thành phố khi các cấp, các ngành và mọi người dân thực hiện triệt để các quy định về phòng dịch.

NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.