56 năm trước đây, chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động cả năm châu, vang vọng cả địa cầu đã làm cho hai tiếng Việt Nam trở thành một trong những biểu tượng rực rỡ nhất của tinh thần “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”! Chiến thắng lịch sử vinh quang ấy đã đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội - là hậu phương vững chắc để tiếp tục hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân với mục tiêu Tổ quốc thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà.
Điện Biên Phủ đã trở thành niềm tự hào không những của nhân dân Việt Nam nói riêng mà còn là nguồn động lực, sức mạnh lớn lao của hàng chục dân tộc châu Á, châu Phi trên con đường đấu tranh để giành độc lập. “Tinh thần Điện Biên”, “Sức mạnh Điện Biên” cũng đã tiếp sức cho dân tộc Việt Nam vượt qua biết bao khó khăn, thử thách để giành thắng lợi lịch sử năm 1975. Chính vì thế, bài học từ Điện Biên có ý nghĩa vô cùng sâu sắc đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Chúng tôi chỉ xin nêu một phần trong những bài học lớn lao đó.
Đó là bài học về tinh thần đoàn kết dân tộc “không phân biệt già, trẻ, trai gái; không phân biệt tôn giáo, đảng phái... Hễ là người Việt Nam, ai cũng có nghĩa vụ phải chung sức cứu nước” (Hồ Chủ tịch). Rõ ràng, tinh thần đoàn kết vừa là sức mạnh vừa là nguyên tắc quan trọng nhất - nền tảng lớn nhất của sức mạnh Việt Nam. Hơn nửa thế kỷ đã đi qua kể từ ngày 7-5-1954, nhưng bài học về tinh thần đoàn kết vẫn mới tinh nguyên như vừa mới có hôm qua, hôm nay. Đặc biệt, thời đại mới đem đến rất nhiều những thay đổi và những sự phức tạp, hiểm họa mới. Đoàn kết trước đây chỉ gói gọn trong hai từ độc lập, thì ngày nay còn bao hàm nhiều nghĩa khác nữa: cuộc sống ấm no, hạnh phúc; khoảng cách giữa giàu và nghèo; sự không hoàn toàn đồng nhất về các xu hướng, ý kiến; sự tiêu cực trong một bộ phận cán bộ, đảng viên làm giảm sút lòng tin của người dân... Chính vì thế, cần phải nhận thức được rằng việc củng cố và xây dựng khối đoàn kết trong thời đại ngày nay khó khăn hơn, công việc và trách nhiệm bộn bề hơn rất nhiều so với “ngày xưa”.
Chiến thắng Điện Biên còn cho thấy một bài học quý báu khác, đó là sự đồng lòng, đồng thuận gần như tuyệt đối của người dân với Đảng, với cách mạng. Bác Hồ từng nhấn mạnh rất nhiều lần rằng Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong. Rõ ràng, khi người cán bộ “miệng nói, tay làm” (Hồ Chủ tịch) thì làm gì dân không theo, đề ra chủ trương gì mà dân không ủng hộ? Mặt khác, nếu xuất phát từ lợi ích chung, thực sự lo cho dân, vì dân thì người dân sẽ ủng hộ hết lòng. Chỉ trong vòng vài tháng, ta có thể huy động được hàng trăm ngàn dân công lo cho chiến dịch đã chứng minh rằng sự đồng thuận, hết mình của nhân dân quan trọng biết chừng nào!
Một bài học không thể không nhấn mạnh đó là tinh thần quyết chiến, quyết thắng. Những khó khăn, gian khổ của “thời Điện Biên” tưởng chừng không thể vượt qua được. Sự phức tạp của tình hình thế giới trong bối cảnh chiến tranh lạnh gây ra biết bao nguy hại, phân hóa khó lường. Những mưu toan của các cường quốc hòng lợi dụng thành quả của cách mạng Việt Nam để mưu lợi ích riêng cho nước lớn, coi thường số phận của dân tộc ta... Rất nhiều những biến tướng và ẩn ý khó lường, rất nhiều những mưu toan không dễ nhận ra trong ngày một ngày hai. Thế nhưng, đạp bằng tất cả những thử thách đó, với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, dân tộc Việt Nam đã anh dũng đi tới và thắng lợi vẻ vang...
Những bài học lịch sử không cũ bao giờ. Thậm chí, dẫu lịch sử không lặp lại nhưng nó vẫn có thể bắt chước chính nó. Sự chia rẽ và phức tạp của thế giới không những không giảm đi mà ngày càng phức tạp hơn. Những tham vọng của các cường quốc thì mỗi ngày một lớn hơn. Đó là chưa nói đến các âm mưu thù địch chống lại dân tộc Việt Nam là không ngừng nghỉ và không thể coi thường. Nhớ lại chiến thắng Điện Biên lịch sử cũng là dịp để chúng ta ôn lại những bài học kinh nghiệm quý báu để vận dụng thành công hơn, hiệu quả hơn trong sự nghiệp cách mạng hiện nay.
Hà Văn Thịnh
.
.
Hãy đi tới bằng tinh thần Điện Biên!
Thứ Sáu, 07/05/2010, 14:47 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.