Ngày 4-5, Đoàn Thanh tra số 3 của Bộ Y tế tổ chức kiểm tra công tác quản lý Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong “Tháng hành động vì chất lượng VSATTP năm 2010”. Dư luận rất quan tâm đến kết quả cuộc kiểm tra này vì nó liên quan đến chất lượng sống của mọi người dân.
Việc kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm ở xứ người đáng để chúng ta tham khảo. Vừa qua, một bản tin trên các báo khu vực Đông Nam Á cho biết: Các tiệm bán thịt chó ở Seoul lần đầu tiên sẽ bị phạt rất nặng nếu vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo nguồn tin trên, từ cuối tháng 4, thành phố Seoul sẽ tiến hành lấy mẫu thịt chó tại 530 nhà hàng tại đây để xét nghiệm hàm lượng kim loại nặng và các chất gây hại khác nhằm bảo đảm an toàn cho người sử dụng. Các quy định về vệ sinh sẽ được công bố rộng rãi và chính quyền sẽ công khai danh tính những cửa hàng nào bán thịt chó vi phạm vệ sinh cũng như đình chỉ hoạt động ngay. Những tiệm ăn như thế được coi là vi phạm pháp luật. Được biết, có từ hai đến bốn triệu con chó được tiêu thụ ở Hàn Quốc mỗi năm, nhưng quá trình mổ thịt và chế biến ở các tiệm bán thức ăn mang về (carried-out) thường thực hiện trong môi trường dơ bẩn và tạo ra nhiều nguy hiểm cho những bữa ăn gia đình.
Từ chuyện thịt chó ở Hàn Quốc, tôi liên tưởng đến chuyện vệ sinh an toàn thực phẩm ở nước ta nói chung, ở Đà Nẵng nói riêng mỗi khi mùa nắng nóng đến.
Trong năm 2009, trên địa bàn TP. Đà Nẵng đã xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm với tổng cộng 48 người mắc phải. Tuy không có tử vong nhưng kết quả cho thấy khuẩn E. Coli, Coliforms, Staphylococcus aureus xuất hiện ở các quầy bán bánh mì trên phố ở Sơn Trà, trong bếp ăn tập thể hai cơ sở sản xuất ở khu công nghiệp Hòa Cầm. Cả ba trường hợp đều do lỗi cẩu thả của người chế biến và từ nguồn gốc không rõ của nguyên liệu, và tuy còn ảnh hưởng trong phạm vi nhỏ nhưng cho thấy nguy cơ lớn hơn nếu không được ngăn chặn, kiểm soát chặt chẽ.
Từ đầu tháng 3 năm nay, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Sở Y tế TP. Đà Nẵng thành lập Đoàn Thanh tra tiến hành kiểm tra các quán cơm bình dân trên địa bàn đã phát hiện hàng loạt quán “cơm bụi” gần các trường đại học có nhiều vi phạm rõ rệt về vệ sinh trong quá trình chế biến, cung cấp thức ăn cho khách hàng, không có chứng nhận về vệ sinh thực phẩm và cả chứng nhận sức khỏe của người chế biến... Những người có trách nhiệm trong Đoàn Thanh tra thừa nhận rằng lâu nay chỉ chú trọng kiểm tra các nhà hàng, bếp ăn tập thể ở khu công nghiệp hoặc tại các chợ, nhưng lại chưa quan tâm đến những quán cơm bụi hoặc những người bán hàng rong trước các cổng trường. Có vị hiệu trưởng “thả tay” trước tình trạng bán quà vặt thiếu vệ sinh ngoài cổng trường chỉ vì sự phối hợp của các đơn vị chức năng và địa phương không thường xuyên...
Chính vì vậy, tình trạng gieo rắc bệnh tật từ thực phẩm, thức ăn, quà vặt thiếu an toàn “treo lơ lửng” trước các học sinh, sinh viên vẫn chưa được giải quyết rốt ráo. Một sinh viên thuê nhà trọ gần Đại học Duy Tân cho biết, do tiền cha mẹ cho có hạn, nên chỉ cần giá rẻ là được, còn chuyện vệ sinh thì... tính sau! Trong lúc người bán cơm bụi giá rẻ lại “tận dụng” nguyên liệu rẻ, trôi nổi ở các chợ hơn là mua nguyên liệu trong các siêu thị như yêu cầu nghiêm ngặt của việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thực trạng nêu trên cho thấy, vấn đề của y tế-sức khỏe-học đường không chỉ là chuyện của nội bộ các trường học và gói gọn trong khuôn viên mỗi nhà trường như chuyện chăm sóc răng miệng, mắt cho học sinh. Nó cần một nỗ lực chung của các cơ quan quản lý Nhà nước một cách nghiêm ngặt, thường xuyên chứ không thể chỉ đơn thuần dựa vào tuyên truyền ý thức chấp hành của những người liên quan. Từ các dịch cúm H5N1, H1N1, chúng ta thấy các loại dịch bệnh lây lan trong môi trường học tập là rất nguy hiểm cho cộng đồng lẫn sức khỏe của giới trẻ học đường.
Đưa câu chuyện kiểm tra chất lượng thịt chó ở Hàn Quốc một cách quyết liệt như trên để thấy rằng vấn đề kiểm tra, thanh tra và quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm của chúng ta hiện nay vẫn còn theo chiến dịch hơn là công việc thực thi luật pháp hằng ngày. Và vì cứ theo chiến dịch nên việc đối phó sẽ là phương cách để lách tránh chế tài dễ dàng nhất. Lại chỉ thấy chế tài bằng phạt tiền hoặc tịch thu vật phẩm không đạt chất lượng mà chưa thấy công khai các vi phạm và đóng cửa, nghiêm cấm các cơ sở hành nghề liên quan. Luật pháp không nghiêm của chúng ta một lần nữa thể hiện ở lĩnh vực rất nhạy cảm cho sức khỏe này.
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG
.
.
Luật pháp và thực phẩm an toàn
Thứ Năm, 06/05/2010, 07:35 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.