Báo Đà Nẵng ngày 12-5-2010 có bài của tác giả Lý Ngư cho người dân biết một sự thật bất ngờ mà không phải ai cũng biết: Đà Nẵng chỉ có 0,6% dân số (4.961 người) là các dân tộc ít người nhưng lại bao gồm đến 32 dân tộc như Hoa, Cơtu, Tày, Mường, Nùng, Thái, Ê Đê, Chăm... Đây quả là điều đặc biệt thuộc vào loại độc nhất vô nhị trong số các thành phố Việt Nam.
Điều đầu tiên cần phải nhấn mạnh là với 33 dân tộc (kể cả người Kinh), sự đa dạng về văn hóa, phong tục, tập quán là một lợi thế rất lớn đối với sự phát triển. Kinh nghiệm cho thấy nhiều nước trên thế giới càng nhiều dân tộc thì sự phong phú về văn hóa, sự đa chiều của các gắn kết văn hóa, nếu được quan tâm đúng mức sẽ tạo nên sự cộng hưởng toàn diện và sâu sắc. Chẳng hạn, tại sao không đặt vấn đề rằng trong một không gian rất hẹp như thành phố Đà Nẵng lại có đến 33 loại hình văn hóa khác nhau thì việc phát triển du lịch, giới thiệu với bè bạn gần, xa về sự muôn sắc muôn màu đó sẽ tạo nên một bước đột phá thật sự đối với ngành du lịch.
Thử hình dung các lợi thế: Đà Nẵng có một trong các bãi biển đẹp nhất thế giới, có môi trường cạnh tranh trong sạch nhất nước (đứng đầu cả nước 2 năm liền), có một trong những cảng biển thuận tiện nhất, có “điểm dừng” hợp lý nhất của các con đường hàng không, hàng hải, đường bộ với nghĩa là điểm giữa - trung tâm giao thông của toàn bộ vùng Đông Nam Á (và xa hơn); chẳng hạn trục ngang Bom Bay (Ấn Độ) – Rangoon (Myanmar) – Đà Nẵng – Manila (Philippines) – Honolunu (Hoa Kỳ) – Mexico City (Mexico) – Miami (Hoa Kỳ).
33 dân tộc trong một đất nước có 54 dân tộc là lợi thế không hề nhỏ! Tại sao không thể xây dựng một Công viên – Trung tâm văn hóa của cả 33 dân tộc trên địa bàn thành phố Đà Nẵng? Nếu làm được điều này, chúng ta sẽ có một “Việt Nam thu nhỏ” ngay giữa miền Trung. Lâu nay, Đà Nẵng thường phải băn khoăn về chuyện du khách đến thành phố khó mua được một món quà kỷ niệm phù hợp với túi tiền, dễ vận chuyển, độc đáo... Bây giờ, nếu cả 33 dân tộc cùng góp sức, chung lòng để quảng bá cho dân tộc mình nói riêng, thành phố Đà Nẵng nói chung thì chắc chắn sẽ có rất nhiều món quà đẹp để những người từ phương xa đến nhớ mãi không quên...
Cái được lớn nhất của mô hình kinh tế - du lịch - bản sắc văn hóa này đó là xóa nghèo cho hàng ngàn người của các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, rất nhiều mô hình kinh tế đã được áp dụng cho đồng bào các dân tộc ít người trên khắp cả nước, cho đến nay, phải nhận chân một thực tế rằng chưa mang lại hiệu quả cao, giá trị hữu ích, chất lượng. Lý do thì có rất nhiều như đồng bào thiểu số ở phân tán, cách làm ăn sinh sống lâu nay khó thay đổi, tìm nghề mới (hoặc dạy nghề mới) là điều nói dễ, làm khó...
Bây giờ, với sức mạnh của “đầu tàu” có 99,4% dân số là người Kinh, với số lượng người thiểu số sống khá tập trung thì chắc chắn, một khi có động lực và mục tiêu rõ ràng, các dân tộc ở Đà Nẵng sẽ có bước phát triển vượt bậc...
Phát huy sức mạnh cộng đồng là mơ ước, mong mỏi của rất nhiều thế hệ lãnh đạo ở nhiều nước trên thế giới. Đà Nẵng đã và đang có rất nhiều lợi thế, điều kiện để phát triển nội lực, tăng cường đoàn kết, tạo nên sức mạnh đa dạng và nhiều ý nghĩa trong thời đại mới.
Hà Văn Thịnh
.
.
Một lợi thế cần phát huy
Thứ Năm, 13/05/2010, 07:34 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.