.

Nặng gánh học phí!

Học phí mới sẽ áp dụng từ ngày 1-7-2010 với mức trần học phí đại học tăng lên 340.000 đồng/tháng thay vì 240.000 đồng như hiện nay. Học sinh mầm non và phổ thông ở thành thị sẽ phải đóng từ 40.000 - 200.000 đồng/tháng.

Những thông tin này được công bố cách đây vài ngày đã làm không ít gia đình lo lắng. Theo đó, hàng loạt trường đại học công lập cũng đã lên phương án tăng mức học phí kịch trần và cho rằng mức này vẫn không thể bù đắp nổi chi phí đào tạo. Vấn đề đặt ra là liệu tăng học phí thì có tăng chất lượng đào tạo hay không, tăng học phí có chống được phụ thu không. Và với những người dân nông thôn, liệu có chịu nổi mức học phí mới hay không?

Vẫn biết tăng học phí là cần thiết để thúc đẩy phát triển giáo dục. Lý giải của các trường tăng học phí là nhằm tăng đầu tư nguồn học liệu, giáo trình, mua thêm trang thiết bị, sửa sang phòng học, cấp học bổng… và một lý do quan trọng nữa là để bảo đảm đầu ra. Việc tăng học phí được các trường nhận định là “hợp lý, góp phần tháo gỡ khó khăn về tài chính”. Nhưng nếu xét mức lương tối thiểu vừa được điều chỉnh, thì mức học phí mới này chiếm hơn 1/2 mức lương mới. Điều đó có nghĩa tăng học phí cũng là tăng thêm nỗi lo. Sẽ có không ít gia đình nông thôn và cả những gia đình nghèo ở thành thị thắt lưng buộc bụng, tính toán chi li, thậm chí phải vay mượn để lo cho con được ngồi ở giảng đường đại học. Đó là chưa kể từ năm học 2014-2015, theo lộ trình, học phí sẽ tăng lên đến mức 550.000-800.000 đồng/tháng.

Mặc dù đi kèm việc tăng học phí, những người làm quản lý giáo dục đã tính đến việc miễn giảm cho học sinh nghèo, nhưng xác định được đối tượng nghèo trên giấy tờ và thực tế để miễn giảm sẽ rất khó khăn. Ngoài ra, theo quy định, học phí và chi phí học tập không vượt quá 5% thu nhập bình quân hộ gia đình nhưng để tính được mức thu nhập bình quân của từng hộ gia đình như hiện nay một cách chính xác cũng không đơn giản. Vậy thì những con số mà các trường công lập đưa ra để nâng mức học phí chưa có căn cứ xác đáng.

Giáo dục là nền tảng của quốc gia, nhưng nhiều năm qua, những gì gọi là “đổi mới” của nền giáo dục Việt Nam luôn khiến mọi người chạy theo đến chóng mặt. Mỗi năm một phương án cải cách, mỗi năm có hàng loạt các quy định mới. Trong khi đó, chất lượng đào tạo, chất lượng giảng dạy của nhà trường vẫn đang là bài toán chưa tìm ra lời giải; việc cải thiện đời sống giáo viên vẫn chưa được giải quyết; chủ trương xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” vẫn chưa đạt được những kết quả như mong muốn… Theo thống kê, từ đầu năm đến nay trên cả nước đã có hơn 800 vụ xô xát, đánh nhau giữa học sinh với học sinh. Phần lớn vụ việc đều xuất phát từ những nguyên nhân rất cỏn con nhưng do ý thức học sinh kém, thiếu sự quan tâm của gia đình, nhiều thầy cô giáo chưa hiểu hết tâm lý học sinh nên đã dẫn đến hậu quả lớn.

Xung quanh chuyện tăng học phí, cần có những chính sách cụ thể, phù hợp cho người nghèo và được thực hiện một cách nghiêm túc, có tình có lý, để họ có cơ hội được bình đẳng về học hành như bao người khác, đồng thời để không lãng phí nguồn chất xám của đất nước.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.