.

Thêm một “Vedan” Đà Nẵng?

Thành phố Đà Nẵng trong hai ngày nghỉ cuối tuần qua xôn xao bởi sự kiện cá, tôm, cua bỗng ngửa bụng chết hàng loạt gần như trắng cả một khúc sông Cầu Trắng trên địa bàn phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu. Từ cửa sông đổ ra biển, lần theo dòng nước hôi thối, đen ngòm chỉ hơn 1,5km là một họng cống (nằm cuối đường số 3, Khu công nghiệp Liên Chiểu) đang xả một dòng chất thải lỏng mà màu và mùi y hệt nước sông.

Dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng lại có thêm một “Vedan” Đà Nẵng như các sự kiện đầu độc các con sông của “Vedan” Đồng Nai, “Vedan” Hải Dương, “Vedan” Quảng Ngãi?

Cảm nhận về giác quan “mũi ngửi, mắt thấy” thì rõ ràng ai cũng ngửi thấy mùi hôi thối của nước sông và thấy rõ cá, tôm chết nổi đầy trên đoạn sông ngắn này. Xác cá, tôm chết càng làm nặng mùi hơn vào ngày hôm sau. Những hộ dân hai bên bờ sông này phản ánh đây là lần đầu tiên có hiện tượng cá chết hàng loạt. “Chắc chắn là do nguồn nước bị nhiễm độc cá mới chết”. Tất cả những người dân tham gia vớt những con cá to đang ngắc ngoải, hấp hối hôm thứ bảy tuần qua đều khẳng định như vậy. Cán bộ chính quyền phường thì khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng: Nước thải từ Khu công nghiệp Liên Chiểu đổ ra là nguyên nhân gây nên cái chết của các loài động vật thủy sinh trên đoạn sông này. Nhiều người dân ở các tổ 11, 12, 13, 14 khu vực Kim Liên gần cửa sông đổ ra biển cho biết: Mấy ngày gần đây đi tắm biển đều có biểu hiện ngứa ngáy. Họ cho rằng chính nước sông đổ ra làm cho biển không còn sạch nữa mới gây nên hiện tượng này.

Rõ ràng với mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố môi trường thì không ai muốn có thêm một “Vedan Đà Nẵng”. Song hiện tượng cá, tôm chết hàng loạt trên sông Cầu Trắng, nơi có họng cống của Khu công nghiệp Liên Chiểu đổ nước thải ra là sự thật và là điều đáng lo ngại.

Báo chí nêu vụ việc, các ngành chức năng của thành phố đã vào cuộc ngay từ thứ hai, ngày 17-5. Vụ việc chưa có kết luận chính thức thủ phạm gây ô nhiễm nước sông, khiến cá, tôm chết hàng loạt. Tuy nhiên, có nguồn tin cho biết, ngành chức năng đã phát hiện họng cống mà báo chí đăng ảnh không phải là họng cống duy nhất đổ nước thải ra đoạn sông này. Và mức độ xử lý nước thải có đạt chuẩn B tối thiểu hay không cũng phải chờ kết quả xét nghiệm.

Chính vì đồng thuận với mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố môi trường mà liên tục trước hai kỳ họp thứ 6 và 7 của Quốc hội khóa XII, cử tri thành phố Đà Nẵng đã nhiều lần nhắc lại đề nghị Quốc hội tăng mức xử phạt hành chính và hình sự hóa những hành vi cố ý gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Cá chết hàng loạt trên sông chỉ là biểu hiện tác hại trước mắt của môi trường nhưng tác hại đối với sức khỏe con người sẽ rất lớn, lâu dài và vô hình.

Tuy nhiên, việc phản ứng có vẻ chậm chạp của các địa phương và cơ quan chức năng trước thông tin nhân dân báo cá chết hàng loạt càng cho ta một bài học: Bài học về dựa vào dân để cảnh báo sớm và có biện pháp ngăn chặn kịp thời những hành vi vì lợi nhuận kinh doanh mà bất chấp pháp luật, hủy hoại môi trường. Có như thế Đà Nẵng mới sớm là thành phố môi trường.

HOÀNG ANH

;
.
.
.
.
.