Frederic Whitehurst - người đã lưu giữ suốt 35 năm cuốn nhật ký của nữ anh hùng liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm - một lần nữa làm hàng triệu trái tim người Việt Nam bồi hồi, xúc động. Những giọt nước mắt của người cựu chiến binh này khi trở lại Quảng Ngãi với vai trò người đi tìm công lý cho các nạn nhân da cam Việt Nam càng làm tăng thêm niềm tin cho biết bao gia đình Việt Nam trong hành trình tìm kiếm công lý trên đất Mỹ.
Đến thăm các gia đình là nạn nhân da cam ở tỉnh Quảng Ngãi, Frederic xúc động khi chứng kiến những nỗi đau mà đồng đội của ông - những người lính Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam, trong đó có ông gây ra. Phóng sự của VTV trong chương trình Thời sự tối 10-5 với hình ảnh một bên là cựu binh Mỹ Frederic và một bên là ông Hồ Quí Cây, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam Quảng Ngãi, mang thông điệp thấm đậm chất nhân văn khi hai con người ở hai bờ chiến tuyến năm nào giờ đây cùng chia sẻ suy nghĩ và bày tỏ mong muốn đấu tranh vì nỗi đau da cam.
Hai bờ chiến tuyến cách đây hơn 35 năm đã không còn nữa, mà thay vào đó chỉ có tình cảm giữa con người với con người, chỉ có nỗi đau, sự giằng xé và khát vọng hòa bình, hạnh phúc. Không ai trong cả Frederic lẫn ông Hồ Quí Cây muốn mình là nạn nhân của chất độc này. Riêng với Frederic, ông hiểu sâu sắc những di chứng nặng nề từ cái chất độc hóa học ghê sợ ấy bởi chính ông cũng là nạn nhân da cam, mang trong người căn bệnh ung thư và được nhận một khoản bồi thường lớn từ chính phủ Mỹ. Trong khi ở Việt Nam có hàng triệu gia đình, trẻ em đang ngày đêm chống chọi với nỗi đau da cam mà chưa hề được chính phủ Mỹ bồi thường.
Hơn 18.000 nạn nhân chất độc da cam ở Quảng Ngãi, trong đó 2/3 nạn nhân có cuộc sống rất khó khăn; gần 5 triệu nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam; không ít gia đình có từ 3-4 người, thậm chí có gia đình có đến 6 người nhiễm chất độc da cam/dioxin… là những con số nhức nhối, xót xa. Là người từng tham chiến ở chiến trường Đức Phổ (Quảng Ngãi) và tìm thấy “lửa” trong cuốn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm, có lẽ hơn bất kỳ cựu binh Mỹ nào, Frederic cảm nhận trách nhiệm của mình trong việc làm cầu nối góp thêm tiếng nói để vận động sự ủng hộ của người dân Mỹ cho việc người Việt Nam đấu tranh đòi công lý này.
“Chị Trâm đã chữa lành vết thương cho thương binh, bệnh binh. Chúng ta hãy làm một một điều gì đó để chữa lành vết thương cho nạn nhân chất độc da cam”, Frederic nói.
Việc Frederic trở lại trạm xá Đặng Thùy Trâm với quà tặng là cuốn nhật ký của nữ anh hùng này được dịch sang tiếng Anh mang tựa đề “Last night, I dreamed of Peace” (Đêm qua, tôi mơ thấy hòa bình), đồng thời đến thăm các gia đình nạn nhân chất độc da cam diễn ra trong lúc đoàn nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đang ở Mỹ tiếp tục đòi công lý và tích cực chuẩn bị cho một vụ kiện mới tại Mỹ, dự định bắt đầu vào năm 2011. Chuyến đi này kéo dài hết ngày 16-5, qua nhiều thành phố của Mỹ như Los Angeles, Chicago, Atlanta, Washington, New York, San Francisco...
Mỗi người bạn quốc tế đến với Việt Nam, nhất là những cựu binh Mỹ như Frederic, đều là sự trân trọng. Bởi lẽ, để vơi đi nỗi đau, các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam rất cần sự ủng hộ, chia sẻ không chỉ của các tổ chức trong nước mà còn của bạn bè quốc tế trên đường đi tới với niềm tin mãnh liệt: công lý sẽ thắng.
TÚ PHƯƠNG
.
.
Trên đường công lý
Thứ Tư, 12/05/2010, 07:34 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.