.
Từ ngày 20-5

Phạt nặng người phạm luật giao thông

Ngày 2-4-2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thay thế cho Nghị định 146 ban hành từ năm 2007 (Nghị định 34/2010/NĐ-CP) sẽ có hiệu lực từ ngày 20-5-2010.

Theo đó, những hành vi vi phạm luật giao thông ở Hà Nội và TP.  Hồ Chí Minh sẽ bị phạt cao hơn mức bình thường của cả nước từ 40% đến 200%. Chẳng hạn: Hành vi vượt đèn đỏ, lái ô-tô khi có nồng độ cồn vượt mức cho phép sẽ bị xử phạt từ 1 triệu đến 1,4 triệu đồng (mức chung là 600.000 đến 800.000 đồng); người điều khiển xe gắn máy sử dụng chân chống hoặc vật khác va quẹt xuống đường khi xe đang chạy bị phạt 2,5 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 60 ngày; điều khiển xe thành nhóm từ hai xe trở lên chạy quá tốc độ quy định, phạt 6 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 60 ngày…

Nhìn chung, về cơ bản, những nội dung xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ không khác lắm so với Luật Giao thông đường bộ 2008 và Nghị định 146. Chỉ có bổ sung mới là tăng nặng hình phạt với các mức phạt theo nguyên tắc, lỗi càng nặng thì phạt càng cao và đặc biệt nghiêm khắc với những lỗi về vi phạm môi trường; chẳng hạn: Nếu xe chở đất đá để rơi vãi trên đường, trước đây phạt 400.000 đồng thì nay tăng lên 2 triệu đồng!

Theo một số chuyên gia trong ngành giao thông vận tải thì Nghị định 34/2010/NĐ-CP vẫn có những bất cập. Cụ thể: Đua xe mà chỉ bị phạt đến 6 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 60 ngày thì không thể đủ sức răn đe bởi những kẻ đua xe đều là con nhà giàu có nên khoản tiền hơn 6 triệu đồng nộp phạt đó chỉ như việc đá ném ao bèo mà thôi. Chia sẻ điều này, Thượng tá Nguyễn Đến, Trưởng phòng CSGT Công an thành phố Đà Nẵng cho rằng: “Nếu áp dụng việc xử lý như thế, chắc chắn với những trường hợp thuộc diện gia đình khá giả sẽ tái diễn hành vi vi phạm, và việc nhờn luật diễn ra là không tránh khỏi” (Báo CA TP ĐN, 16-5-2010).

Tại sao không thể tăng nặng hình phạt đối với tội đua xe như tịch thu xe máy vi phạm và tước bằng lái xe 360 ngày chứ không phải 60 ngày? Có như thế thì những “con ông cháu cha” mới đi vào khuôn phép và không coi thường pháp luật. Mặt khác, nếu chỉ mới áp dụng tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh mang tính thí điểm thì quả thật là không hợp lý lắm. Không cần phân biệt nội thành, ngoại thành – cứ vi phạm là xử lý công bằng, đúng người, đúng tội. Chỉ cần cách nhau một ngã ba hay ngã tư là việc “làm luật” hoàn toàn khác nhau rồi. Đây là kẽ hở để cho tiêu cực toan tính và nhiều vấn nạn mới sẽ nảy sinh: Tại sao chúng ta không nghĩ rằng phân biệt như thế là vô hình trung khuyến khích người dân nông thôn coi thường luật giao thông? Đến một lúc nào đó, người “ngoại thành” đến “nội thành” lại phải học lại luật giao thông sao?

Còn nhớ, cách đây 10 năm người viết bài này có đến một nước láng giềng và rất ngạc nhiên khi thấy 100% người đi xe máy đều đội mũ bảo hiểm (lúc đó ta chưa bắt buộc đội mũ bảo hiểm) và không ai vất tàn thuốc lá ra đường! Thấy tôi khen ý thức người dân thật là tốt thì hướng dẫn viên bản địa cười và nói rằng, cũng chẳng tốt lắm đâu nhưng có điều là, nếu không đội mũ bảo hiểm sẽ bị phạt số tiền tương đương với 2 triệu đồng và nếu vất tàn thuốc lá ra đường là bị phạt 1 triệu đồng (!). Nói như thế để thấy rằng chờ cho ý thức người dân khá lên là điều rất khó. Giải pháp tốt nhất, hiệu quả nhất là phải phạt thật nặng những hành vi gây phương hại nghiêm trọng đến đời sống cộng đồng. Làm sao có thể chấp nhận được thực trạng  đau xót đã diễn ra suốt mấy năm vừa rồi: Trên cả nước, mỗi ngày trôi qua có hơn 30 người bị chết vì tai nạn giao thông!?

Cần phải tuyên truyền tích cực hơn nữa Nghị định mới của Chính phủ đến mọi người dân. Và, cũng rất cần việc điều chỉnh để tăng mức xử phạt nặng hơn với những người điều khiển phương tiện giao thông mà có nồng độ cồn trong máu quá mức quy định. Và, nhất là, cần phải áp dụng Luật Giao thông đường bộ một cách đồng bộ trên cả nước, không phân biệt nội hay ngoại thành, nông thôn hay thành phố; bởi mỗi công dân đều có quyền bình đẳng trước pháp luật.

Tô Vĩnh Hà

;
.
.
.
.
.