Ngày 21-5, ông Trần Văn Dũng - Chánh Thanh tra Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng thông tin Sở Xây dựng đã quyết định đình chỉ thi công công trình tòa nhà Vietcombank Đà Nẵng tại số nhà 142 Lê Lợi kể từ ngày 22-5-2010.
Nguyên nhân của việc đình chỉ thi công bởi trong quá trình xây dựng tòa nhà quy mô 11 tầng và 1 tầng hầm, đơn vị thi công là Công ty CP Xây dựng Vinaconex 25 đã thiếu các biện pháp che chắn an toàn, khiến vật liệu xây dựng thường xuyên rơi vãi vào nhà người dân, đồng thời gây ra hiện tượng nứt tường, sụt lún gây nguy hiểm cho gia đình bà Trần Thị Thu Ước, địa chỉ K1/1 Lê Thánh Tôn. Cùng với việc đình chỉ thi công, các bên liên quan là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - Chi nhánh Đà Nẵng, Công ty CP Xây dựng Vinaconex 25 tiến hành giám định mức độ thiệt hại và thỏa thuận, đền bù thiệt hại đối với gia đình bà Trần Thị Thu Ước.
Theo phản ánh của người dân, trong quá trình thi công công trình, một loạt các sự cố lún nứt đã xảy ra đối với các công trình lân cận. Hơn thế nữa, đã xảy ra tình trạng rơi vãi vật liệu, ván khuôn… xuống nhà dân, ảnh hưởng đến sự an toàn của người dân xung quanh, khiến người dân phải gửi thư phản ánh, kêu cứu lên các cơ quan chức năng nhờ can thiệp. Trước đó, vào các ngày 21-10-2009 và 2-4-2010, công trình tòa nhà Ngân hàng Vietcombank Đà Nẵng cũng đã từng bị UBND phường Hải Châu 1, quận Hải Châu và Thanh tra Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng lập biên bản đình chỉ thi công về vi phạm tương tự.
Hiện trên địa bàn thành phố, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng diễn biến phức tạp. Việc tăng cường các biện pháp quản lý và xử phạt vi phạm trong xây dựng đối với nhà cao tầng theo kế hoạch hoạt động năm 2010 của Sở Xây dựng chưa thể hiện hết vai trò trách nhiệm đến cùng. Riêng đối với việc công trình xây dựng tòa nhà Vietcombank Đà Nẵng lập biên bản đình chỉ xây dựng đến 3 lần đang đặt ra vấn đề đó là xử lý không nghiêm, thiếu kiên quyết.
Minh chứng cho việc xử lý vi phạm về trật tự xây dựng chưa nghiêm thể hiện ở năm 2009, trong số 333 trường hợp nghi vấn để tiến hành kiểm tra thì Thanh tra Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng: Có phát hiện 22 trường hợp xây dựng không phép, 23 trường hợp xây dựng sai so với giấy phép được cấp. Tuy nhiên, cũng theo Thanh tra Sở Xây dựng, quá trình triển khai thi công xây dựng ở 4 công trình nhà cao tầng cho thấy vi phạm về công tác bảo đảm an toàn lao động và vệ sinh môi trường; việc che chắn, chống bụi, chống ồn chưa thực hiện đúng theo quy định. Vì vậy, Sở Xây dựng đã ban hành 17 quyết định xử phạt hành chính, xử phạt gần 61 triệu đồng trong đó xử phạt 8 trường hợp xây dựng không phép; 5 trường hợp xây dựng sai phép và 4 trường hợp xây dựng gây sụt lún công trình lân cận.
Xin được nhắc lại, ở thời điểm tháng 8-2008, nhằm thiết lập lại trật tự trong lĩnh vực quản lý đô thị, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Văn Minh đã giao cho Chủ tịch UBND xã, phường ban hành quyết định đình chỉ thi công xây dựng trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản ngừng thi công xây dựng mà chủ đầu tư không chấp hành. Ngoài ra, Chủ tịch xã, phường cũng được phép ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ và tổ chức thực hiện cưỡng chế phá dỡ công trình xây dựng vi phạm. Liên quan đến vấn đề trên, UBND thành phố Đà Nẵng cũng yêu cầu ngành điện và cấp nước ngừng cung cấp điện, nước trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được quyết định đình chỉ thi công xây dựng của cấp có thẩm quyền.
Ở thời điểm hiện tại, việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng áp dụng khung xử phạt giao thẩm quyền cho UBND tỉnh, thành phố xử phạt lên đến 500 triệu đồng. Nghị định 23/2009/NĐ-CP quy định rõ “Đối với hành vi vi phạm, sau khi có quyết định đình chỉ thi công xây dựng công trình của cấp có thẩm quyền mà chủ đầu tư vẫn tái phạm thì tùy theo mức độ vi phạm, quy mô công trình vi phạm bị xử phạt từ 300 triệu đồng đến 500 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép xây dựng. Ngoài hình thức xử phạt theo quy định, chủ đầu tư có hành vi vi phạm còn bị buộc khắc phục hậu quả và bị xử lý theo quy định tại Nghị định số 180/2007/NĐ-CP”.
Rõ ràng cơ sở pháp lý để ngăn chặn những vi phạm trong quản lý trật tư xây dựng được thể hiện rõ, mức độ xử phạt dù cao so với quy định trước đây nhưng chưa đủ sức răn đe đối với đối tượng vi phạm, thiếu nhất quán trong xử lý vi phạm. Dẫn đến việc muôn thuở là “phạt rồi cho tồn tại”, phương pháp giải quyết khắc phục hậu quả sai phạm còn chung chung. Một công trình xây dựng có xảy ra tranh chấp, có khiếu nại về tình trạng vi phạm giấy phép xây dựng tại đường Lê Lai, thế nhưng thay vì giải quyết đến nơi, đến chốn thì cơ quan quản lý lại quay sang cấp phép bổ sung làm cho việc xử lý vi phạm trật tự trong lĩnh vực xây dựng chưa được thực thi nghiêm túc.
Mặt khác, sự phối hợp với các đơn vị chức năng chưa đồng bộ. Theo chỉ đạo của UBND thành phố Đà Nẵng về công tác quản lý trật tự đô thị, trật tự xây dựng đã nêu rõ cơ quan quản lý xây dựng có nhiệm vụ yêu cầu ngành điện và cấp nước ngừng cung cấp điện, nước trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được quyết định đình chỉ thi công xây dựng của cấp có thẩm quyền. Nếu đơn vị thi công công trình trụ sở Vietcombank bị xử phạt theo chế tài này thì liệu có xảy ra tình trạng tái phạm nhiều lần như trên?
GIA PHÚC
.
.
Vi phạm trật tự xây dựng, bao giờ xử nghiêm?
Thứ Tư, 26/05/2010, 08:51 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.