Cuộc chạy marathon tốt nghiệp THPT vừa đi qua, trong khi những con số tốt nghiệp THPT cao bất thường ở một số địa phương vẫn còn là dấu hỏi về chất lượng thi cử thì như thường lệ, sĩ tử cả nước lại sắp bước vào đợt 1 của kỳ tuyển sinh đại học (ngày 3, 4 và 5-7). Đà Nẵng cùng với nhiều địa phương khác là tâm điểm để thí sinh đổ về tham gia kỳ thi. Cả thành phố đang càng nóng lên không chỉ vì sự oi bức của mùa hè mà còn vì sự có mặt của thí sinh, phụ huynh cùng với tâm trạng lo lắng, căng thẳng, xen lẫn kỳ vọng mở được cánh cửa giảng đường đại học.
Nhiều gia đình có con dự thi đại học hẳn sẽ “choáng” và xót xa vì lịch học dày đặc chủ yếu chỉ để “nhồi chữ”. Những gia đình ở xa phải lặn lội mang vác hành lý theo con đi thi. Bến xe đông đúc, nhà ga tấp nập, các quán cơm cũng chen chúc hơn thường lệ, nhiều chỗ trọ được mở ra… Song, trong bộn bề, tất bật chuẩn bị cho kỳ thi, vẫn có những điều làm ấm lòng bao người: sự chung tay của xã hội cho một mùa tuyển sinh đại học an toàn, thành công.
Từ hôm qua (27-6), Đà Nẵng đã bắt đầu ra quân tiếp sức mùa thi, trong đó có sự tham gia của khoảng 1.000 tình nguyện viên chốt tại 88 điểm. Cũng như mọi năm, màu áo xanh tình nguyện đã trở thành địa chỉ tin cậy giúp thí sinh tìm được chỗ trọ giá rẻ hoặc miễn phí, quán ăn bình dân, đường đến trường thi… Hơn nữa, năm nay là lần đầu tiên Đại học Đà Nẵng đưa thông tin địa chỉ chỗ trọ giá rẻ và điện thoại liên lạc ngay trên giấy báo dự thi của thí sinh. Rồi phải kể đến 1.500 cẩm nang hướng dẫn và 20.000 bản đồ thành phố được Thành Đoàn Đà Nẵng phát hành cũng sẽ gửi đến tay thí sinh và người thân.
Bên cạnh đó, nhiều gia đình cũng xắn tay vào cuộc, cho thí sinh ăn ở miễn phí. Những câu chuyện về gia đình chị Nguyễn Thị Minh Nguyệt, ông Bùi Phúc Hiền - phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, hay như cụ Nguyễn Thị Ty - phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu (Báo Đà Nẵng, ngày 17-6-2010) cùng những nghĩa cử cao đẹp hỗ trợ thí sinh đã và đang thắp lên ngọn lửa ấm áp của tình người. Với sự sẻ chia này, họ góp phần làm vơi đi áp lực thi cử trong các thí sinh, đồng thời làm giảm gánh nặng lo toan về chi phí đối với không ít gia đình khó khăn.
Trong cái vòng quay học hành và thi cử đến chóng mặt như hiện nay, chúng ta cứ hết lo ngay ngáy từ việc “sốt” chỗ học mầm non, đến thi dễ hay khó, rồi hội chứng “sốt” trong các mùa thi. Dư luận và báo giới vẫn đặt ra câu hỏi làm thế nào để thôi ám ảnh thi cử. Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng chủ trương kỳ thi “2 trong 1” (gộp kỳ thi tốt nghiệp THPT và đại học làm một), nhưng thời điểm thực hiện thì chưa biết đến bao giờ.
Giảm một kỳ thi cũng là giảm cho xã hội bao chi phí, bao áp lực và bao lo toan. Cũng đã đến lúc cần tính đến chuyện giao quyền tự chủ cho các trường đại học như nhiều nước khác trên thế giới, để các trường tự tính toán đầu vào, kết hợp hài hòa với đặc thù và yêu cầu đào tạo của mỗi trường, thay vì phải mặc chiếc áo “ba chung” của Bộ Giáo dục - Đào tạo.
Tú Phương
.
.
Áp lực mùa thi
Thứ Hai, 28/06/2010, 10:07 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.