.

Hoa anh đào

Đọc bài: 400 cây hoa anh đào sẽ được trồng tại Bà Nà, Đà Nẵng, trên Báo Đà Nẵng điện tử, tuy rất ngắn nhưng để lại trong suy tư và cảm xúc của người đọc thật nhiều. Bài báo cho biết rằng Công ty TNHH sản xuất nguyên liệu giấy Việt – Nhật (Vijachip) sẽ trao tặng thành phố Đà Nẵng 400 cây hoa anh đào vào tháng 11-2010.

Không thể dùng cụm từ nào khác hơn về những dòng thông tin trên: Bước đột phá về tư duy văn hóa; sự bắt đầu “định dạng” về một tầm nhìn, một hướng đi thực sự sáng tạo, mới mẻ trong cách nghĩ, cách làm của văn hóa Đà Nẵng nói riêng và hợp tác quốc tế nói chung.

Đà Nẵng (hiểu chung theo nghĩa văn hóa Xứ Quảng) là một vùng đất đặc biệt. Trong 5 thành phố trực thuộc trung ương thì Đà Nẵng là thành phố duy nhất có hai bề là biển và hai bề còn lại là rừng. Đà Nẵng – Hội An còn là nơi đến đầu tiên của văn hóa Nhật Bản - đặc biệt là vào thời đại Tokugawa (1603 - 1868); nơi đụng đầu lịch sử đầu tiên của Việt Nam với Pháp (8-1858) và với Mỹ (3-1965). Đó là chưa muốn nói rằng Đà Nẵng là vùng đất xa nhất về phía Nam của Đại Việt trong suốt hàng trăm năm (tính từ khi Huyền Trân Công chúa vào làm dâu đất Chămpa, 1306; đến lúc Nguyễn Hoàng vào mở cõi lần thứ hai, 1558).

Những điểm khác thường đó của lịch sử còn được cộng hưởng bởi sự tích tụ của rất nhiều làn sóng di cư từ chiến tranh, từ cách chiêu mộ và thu hút người hiền tài trong những năm qua đã “biến” thành phố lớn nhất miền Trung trở thành một miền đất đa dân tộc (hơn một nửa trong tổng số 54 dân tộc của Việt Nam đang sinh sống ở Đà Nẵng) và mang đậm sắc thái quốc tế hóa. Đó không chỉ là xu hướng chung của thời đại hội nhập toàn cầu mà là sự đa dạng, khác biệt mà, xét trên phạm vi cả nước, chỉ riêng Đà Nẵng mới có. Nói cách khác, biển, trời, đất, sông, nước, con người – mọi yếu tố của thiên thời, địa lợi, nhân hòa – Đà Nẵng đều có đủ. Cái “thiếu” (thực ra là chưa kịp định hình) chính là văn hóa.

Sakưra không chỉ nói lên tình hữu nghị, quan hệ Việt-Nhật cần thiết đang phát triển mà nó còn khẳng định rằng đó là một điều rất riêng, rất đặc biệt của Đà Nẵng. Người Nhật yêu hoa anh đào vì đó là loài hoa có hương sắc nhẹ nhàng, dịu dàng, gần gũi. Không gai góc, phô trương và bí hiểm như hoa hồng; không “mời mọc” như dạ hương, ngọc lan...; và nhất là, nó nở đồng loạt, một lần, sau đó, để gió cuốn đi theo đúng tinh thần văn hóa samurai.

Hãy hình dung vào mùa Xuân, hoa anh đào ở Bà Nà sẽ là nơi bắt đầu sớm nhất của mùa hoa anh đào của nước Nhật (hoa anh đào ở Nhật nở từ từ, từ đảo lớn phương nam Kyushu lên đến đảo lớn phương bắc Hokkaido, theo hướng “ấm dần lên” của thời tiết. Vì vậy, Bà Nà sẽ là nơi sớm nhất). Ảnh hưởng, giao hưởng, cộng hưởng và những vô thức ngầm định về văn hóa là điều không thể hình dung nổi: Hãy nghĩ đến cảnh người dân Tokyo đến Đà Nẵng ngắm hoa anh đào bởi một – hai tháng nữa họ mới có(!)

 Từ “chuyện” hoa anh đào, tại sao chúng ta không thể liên tưởng và thực tế hóa những vườn hoa khác nữa (hoặc tương đương như hoa) cho Bà Nà, cho Đà Nẵng? Đây không chỉ là hoa mà còn là sự định vị cái rất riêng, cái nơi khác khó có thể có (ví dụ, ý tưởng hoa anh đào là điều nơi khác không thể làm khi thiếu tính lịch sử, tính đặc thù, tính văn hóa cũng như điều kiện thời tiết, địa lý). Đà Nẵng đã có Ngũ Hành Sơn, Bảo tàng Điêu khắc Chăm độc nhất vô nhị của cả nước, bây giờ thêm “rừng” hoa anh đào Nhật Bản (400 cây hoa hay hàng ngàn cây hoa?); ngày mai, ngày kia là gì nữa là điều phải suy nghĩ, tiến tới. Tại sao không thể có một góc “rừng” nào đấy để ghi dấu ấn, hồi tưởng, kỷ niệm cho văn hóa các vùng miền, các nước trên thế giới...? Từ hoa anh đào có thể tin Bà Nà là nơi thích hợp với nhiều loại hoa, cây trái khác có điều kiện thời tiết, khí hậu tương tự.

Đột phá về cảnh quan -văn hóa của một thành phố là điều vô cùng khó. Hãy nghĩ và tin rằng Đà Nẵng có những lợi thế mà rất ít thành phố khác có thể tạo nên sự đột phá ấn tượng như thế. Vấn đề còn lại là, những trăn trở cho Đà Nẵng đẹp hơn, quyến rũ hơn luôn là điều có thể. Biết đâu, có lúc nào đó, ta tạm đặt tên cho cách nghĩ và hướng đi ấy là câu chuyện Sakưra?

HÀ VĂN THỊNH

;
.
.
.
.
.