Chương trình thời sự buổi 6 giờ sáng ngày 8-6 của Đài Truyền hình Việt Nam dành thời lượng khá lớn phản ánh tình trạng khai thác cát trái phép gây sạt lở nghiêm trọng bờ sông Túy Loan thuộc địa bàn các xã Hòa Nhơn, Hòa Phong, Hòa Phú, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng).
Hình ảnh từ phóng sự này cho thấy, ghe thuyền ngang nhiên thi nhau đào bới bờ sông hút cát ở cả khu vực bị cấm. Khi ghe chở phóng viên Đài Truyền hình, có cả Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn đi cùng, đến gần họ vẫn đào bới mà không hề có biểu hiện dừng hoặc di chuyển sang chỗ khác. Cũng trong phóng sự này, người dân sinh sống ven sông phản ánh tình trạng các đối tượng khai thác cát trái phép đã từng liều lĩnh nhảy lên bờ hành hung những ai cố tình ngăn cản việc hút cát của chúng. Điều này chứng tỏ sự tàn phá bờ sông Túy Loan đã đến hồi báo động.
Thực ra, không chỉ sáng 8-6 Đài Truyền hình Việt Nam đề cập mà trước đó, ít nhất hàng chục lần báo chí đã phản ánh về thực trạng này. Chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc. Tổ chuyên trách bảo vệ bờ sông của xã Hòa Nhơn đã thành lập mấy năm nay. Nhiều trường hợp vi phạm đã bị xử lý. Tuy vậy, do nhu cầu về cát xây dựng quá lớn, việc tuần tra bảo vệ bờ sông chưa đến nơi đến chốn, các trường hợp vi phạm xử lý chưa nghiêm, nên tình trạng đào bới bờ sông không hề giảm và kéo dài từ ngày này sang ngày khác. Có thể nói, khai thác cát là hoạt động sôi động nhất ở Hòa Vang hiện nay. Từ 2 giờ sáng, hàng chục ghe thuyền đã xuất phát đi đào bới bờ sông lấy cát và thi nhau quay vòng tăng chuyến mãi tối mịt mới chịu nghỉ. Tại các bến tập kết cát, băng chuyền chuyển cát từ ghe lên bờ và từ bờ lên ô-tô hoạt động suốt ngày đêm.
Hậu quả của sự tàn phá bờ sông này vô cùng lớn. Ít nhất hơn chục hộ sinh sống bên con sông này đã phải di dời đi nơi khác, hàng chục ha đất canh tác đã biến mất. Lũ quét kinh hoàng đã từng xảy ra với sự tàn phá ghê gớm nhiều khu dân cư ven sông.
Tình trạng tàn phá bờ sông Túy Loan kéo dài không được ngăn chặn luôn là vấn đề bức xúc của người dân sinh sống hai bên bờ. Nhiều giải pháp bảo vệ đã triển khai, song hiệu quả không cao. Đơn giản chỉ vì trên dòng sông này vẫn đang cho phép khai thác cát, nhưng là đoạn thượng nguồn khu vực thuộc địa phận xã Hòa Phú. Lực lượng bảo vệ mỏng (chỉ một tổ 4 người của xã Hòa Nhơn), trang thiết bị, phương tiện thiếu rất khó ngăn chặn được số ghe thuyền hút cát hùng hậu với 40 chiếc, thường hoạt động vào lúc 2-3 giờ sáng. Đó là chưa kể, kinh phí cho công tác bảo vệ chỉ vỏn vẹn 10 triệu đồng/năm. Rồi thì, người bảo vệ và người khai thác cát có khi cùng làng, thậm chí là anh em gia đình, họ tộc, tránh sao khỏi sự nể nang. Mùa khô nước sông cạn, khu vực cho phép khai thác, ghe thuyền không đến được, nên việc đào bới bờ sông ở khu vực bị cấm tất yếu phải xảy ra.
Cũng trên sông Túy Loan này, đoạn hạ lưu Cầu Giăng, tức chỉ cách các bãi tập kết cát chừng vài trăm mét, việc xây dựng kè bờ sông triển khai vài năm nay. Chỉ một đoạn kè mềm dài 650 mét đã ngốn hết 4-5 tỷ đồng. Có thể nói trên dòng sông này đang xảy ra tình trạng xây ít mà phá nhiều. Nếu xây kè bảo vệ, chống xói lở dọc hai bờ sông này nhưng vẫn để tình trạng khai thác cát trên sông xảy ra thì tốn hàng trăm tỷ đồng vẫn chưa kín.
Việc bảo vệ bờ sông Túy Loan chỉ có thể thực hiện được khi nghiêm cấm hoàn toàn việc hút cát trên sông. Sẽ không bao giờ có chuyện vẫn cho phép hút cát mà bờ sông được bảo vệ. Đã đến lúc chính quyền các cấp và cơ quan chức năng, vì sự an toàn của bờ sông Túy Loan, vì môi trường sinh thái của cả khu vực, cần có quyết sách đúng đắn và kịp thời.
Nguyễn Cầu
.
.
Không lẽ bó tay
Thứ Năm, 10/06/2010, 06:25 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.