.

Kinh tế biển đảo

Đà Nẵng là một trong những địa phương giàu tiềm năng để phát triển kinh tế biển. Theo kết quả khảo sát mới đây, vùng biển Đà Nẵng có 670 loài hải sản, nguồn lợi có thể khai thác ước tính khoảng 1,1 triệu tấn/năm. Tuy vậy, hiện nay ngư dân Đà Nẵng mới chỉ khai thác 37.000 đến 40.000 tấn/năm (tức 3% tiềm năng) đã cho thấy còn rất nhiều điều cần phải bàn để kinh tế biển, đảo phát triển hơn…

Trước hết, tầm nhìn hướng ra biển lớn là điều mà Đà Nẵng đã “định vị” cách đây hàng chục năm khi gửi đi một trong những “thông điệp”: Mở con đường ven biển dài hàng chục ki-lô-mét mang tên Nguyễn Tất Thành! Đó là một trong những con đường đẹp nhất, giàu ý nghĩa nhất vì hướng ra biển, tìm lối đi cho dân tộc bắt đầu từ biển, là một trong những cách nhìn sâu sắc toàn diện của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh.

Trong nhiều năm qua, Đảng bộ và chính quyền thành phố Đà Nẵng luôn quan tâm đến cuộc sống của ngư dân nói riêng, phát triển kinh tế biển đảo nói chung. Có thể nói là hầu như năm nào thành phố cũng tổ chức hội nghị chuyên đề về biển, về ngư nghiệp. Những biến động phức tạp của tình hình Biển Đông trong những năm gần đây càng đặt lên vai cán bộ và người dân Đà Nẵng những trọng trách mới. Đà Nẵng là địa phương có huyện Hoàng Sa, đang bị nước ngoài chiếm đóng.

Ngoài việc đấu tranh để giành lại chủ quyền, Đà Nẵng còn tích cực giáo dục tinh thần yêu nước, ý thức chủ quyền cho học sinh – sinh viên. Biểu hiện cụ thể nhất là chương trình giảng dạy, học tập về Hoàng Sa, Trường Sa được đưa vào chương trình chính khóa. Phải ghi nhận đây là nội dung chương trình mới mẻ lần đầu tiên được áp dụng trong các trường học của một địa phương cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Tuy nhiên, cũng cần phải nhấn mạnh rằng tất cả những hoạt động (như đã nói ở trên) trong thời gian qua vẫn là chưa đủ. Với mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đạt giá trị 14-15%/năm, Đà Nẵng phấn đấu đến hết năm 2010 sẽ đóng mới từ 130-150 tàu có công suất 150CV/chiếc – đưa tổng công suất tàu cá lên 30.000CV.

Đồng thời, Đà Nẵng cũng có kế hoạch tổ chức tốt, cơ cấu lại mạng lưới dịch vụ xuất khẩu hải sản; chẳng hạn, sắp tới sẽ tiến hành thu mua cá ngay trên biển để nâng cao chất lượng, hạ giá thành và giúp đỡ, hỗ trợ hiệu quả ngư dân ngay tại biển xa. Định hướng và cách nhìn đó nếu được phối hợp đồng bộ, hiệu quả sẽ là một cú hích có ý nghĩa nhiều mặt. Ngư dân chỉ lo yên tâm khai thác mà không phải đi lại nhiều ngày trên biển, hải sản sẽ giảm chất lượng; đỡ chi phí vận chuyển, tiết kiệm được thời gian, công sức.

Nhất là, khi mạng lưới thu mua hải sản xa bờ hoạt động nhộn nhịp thì vấn đề an ninh, chủ quyền chắc chắn sẽ được bảo đảm tốt hơn. Vụ tàu cá Quảng Ngãi bị “tàu lạ” húc chìm mới đây (rạng sáng 12-6-2010) làm 18 ngư dân suýt chết, mất số tài sản trị giá lên đến 1,5 tỷ đồng, đã cảnh báo rất rõ ràng rằng chưa bao giờ ngư dân cần sự chăm lo, bảo vệ của các cấp chính quyền đối với cuộc sống và sinh hoạt của họ như lúc này. Chỉ riêng điều đó thôi đã nói lên rằng dự định mà thành phố Đà Nẵng đặt ra cho kế hoạch thu mua hải sản từ biển xa là một định hướng có ý nghĩa chiến lược không chỉ riêng với Đà Nẵng mà còn là bài học cần phải nhân rộng, phát huy trên cả nước.

Chủ quyền biển đảo và lợi ích kinh tế - xã hội từ biển đảo là một trong những yếu tố quan trọng nhất đối với mô hình phát triển của nước ta hiện nay. Nhìn rõ điều đó đồng thời có những giải pháp đúng, nhất quán, hiệu quả không chỉ thể hiện sự quan tâm với ngư dân mà còn góp phần to lớn vào công cuộc bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Hy vọng và tin tưởng rằng, một lần nữa, Đà Nẵng lại đi đầu nơi “đầu sóng ngọn gió” – theo đúng nghĩa đen của từ này, để phát triển mạnh mẽ hơn, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của thành phố nói riêng, đất nước Việt Nam nói chung.

Hà Văn Thịnh

;
.
.
.
.
.