Từ năm 1990, Việt Nam tự hào là nước đầu tiên ở châu Á và là nước thứ hai trên thế giới ký Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Theo đánh giá của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), Việt Nam đang dần đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ về chăm sóc sức khỏe và giáo dục trẻ em.
Tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi và trẻ sơ sinh đã giảm đáng kể trong hai thập kỷ qua. Với tỷ lệ tiêm chủng luôn đạt ở mức cao, Việt Nam đã thanh toán được bệnh bại liệt vào năm 2000 cũng như bệnh uốn ván ở bà mẹ và trẻ sơ sinh vào năm 2005. Kể từ năm 1990 đến nay, tỷ lệ mắc bệnh sởi đã giảm 95%. Các trường hợp thiếu vitamin A đã trở nên rất hy hữu. Giờ đây, trẻ em Việt Nam cũng được hưởng một nền giáo dục tốt hơn. Khoảng 97% trẻ em trong độ tuổi được học tiểu học, và Chính phủ cam kết tăng cường cơ hội giáo dục cho tất cả trẻ em Việt Nam.
Trẻ em được tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự và được nâng niu như búp non trên cành. Xã hội nghiêm cấm việc ngược đãi, làm nhục, hành hạ, ruồng bỏ, bắt cóc, mua bán, đánh tráo trẻ em, ép buộc trẻ em thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật hoặc làm những việc có hại đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em. Gần đây, ở một số địa phương xuất hiện tình trạng bóc lột sức lao động và xâm hại thân thể trẻ em, đây là điều khiến toàn xã hội lên án, nhưng đây cũng chỉ là hiện tượng không phổ biến, do các lực lượng chức năng địa phương thiếu trách nhiệm và đạo đức của một vài cá nhân xuống cấp trầm trọng. Điều đáng quan tâm hơn hiện nay là việc chăm lo cho hàng triệu trẻ em trong cả nước có điều kiện vui chơi trong dịp hè này.
Nói vậy bởi mới vừa hết năm học, nhiều bậc phụ huynh học sinh tiểu học tại Đà Nẵng vội vàng lên lịch để cho con đi học thêm. Những trẻ em khác lại được cha mẹ cho tiền mỗi ngày để chơi game giết thời gian trong dịp hè. Nhiều bậc cha mẹ khác chỉ biết lên kế hoạch gửi các em về ở với ông bà nội, ngoại chăm giúp.
Có thể nói, việc thiếu những sân chơi bổ ích, tạo cho trẻ phát triển toàn diện, các kỹ năng bản thân đang khiến nhiều bậc cha mẹ lo lắng. Bởi lẽ, ở một số địa phương, từ trước đến nay đã đầu tư xây dựng nhiều sân chơi với kinh phí hàng trăm triệu đồng, tuy vậy vì nhiều lý do, những sân chơi này thiếu tính hấp dẫn, thu hút trẻ nhỏ, một số sân chơi đang bị bỏ hoang.
Đối xử với trẻ em, người lớn không những phải tôn trọng các em mà còn phải dành cho các em tất cả yêu thương, lương tâm và trách nhiệm. Cả xã hội chăm lo cho trẻ, tạo ra môi trường “chơi mà học, học mà chơi” để trẻ em phát triển toàn diện hơn. Có như thế, trẻ em mới thực sự được sống trong môi trường lành mạnh, trong tình yêu thương bao la của người lớn. Theo các nhà nghiên cứu tâm lý, những đứa trẻ được sống trong tình yêu thương, chăm sóc, được vui chơi, học tập khi lớn lên sẽ có mức độ tiến thân và thành đạt trong cuộc sống cao hơn những đứa trẻ thụ động, chỉ thích ngồi một chỗ. Nhưng, nói cho cùng xã hội không thể lo hết cho tất cả trẻ em mà chính những người cha, người mẹ cần phải tạo ra môi trường học tập, vui chơi lành mạnh, bổ ích hơn. Có khi là tạo sân chơi ngay trong nhà để cả gia đình cùng vui chơi.
VIỆT DŨNG
.
.
Sân chơi cho trẻ em
Thứ Ba, 01/06/2010, 07:40 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.