.

Trách nhiệm nhà báo

Trong phiên họp bế mạc của Quốc hội chiều ngày 19-6-2010, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã cảm ơn các nhà báo trên cả nước đã có thông tin chính xác, nhiều chiều để các đại biểu Quốc hội có cơ sở tham khảo và quyết định chưa thông qua dự án Đường sắt cao tốc!

Có thể nói rằng, nhận xét đó là “món quà” đẹp nhất, giàu ý nghĩa nhất mà giới báo chí nhận được nhân dịp Kỷ niệm 85 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Cách đây 85 năm, ngày 21-6-1925, chỉ mươi ngày sau khi Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội được thành lập, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã cho ra đời  tờ báo Thanh Niên - tờ báo Cách mạng đầu tiên của giai cấp công nhân và toàn thể dân tộc Việt Nam. Sự kiện đó có tầm vóc lịch sử đặc biệt. Nó nói lên rằng báo chí Việt Nam hiện đại được “sinh thành” từ chính nhu cầu, mục tiêu đấu tranh của công cuộc giải phóng dân tộc vĩ đại.
 
Tôn chỉ thứ nhất là chủ nghĩa yêu nước và tinh thần cách mạng. Nói một cách khác, báo chí nước ta được hình thành, lớn vượt chính mình bằng mục tiêu đấu tranh giành độc lập, tự do. Đó là con đường khó khăn, gian khổ chất chồng. Lê-nin đã từng nhấn mạnh không ít lần về vai trò của báo chí. Theo Lê-nin, báo chí là “người cổ động tập thể, người tuyên truyền tập thể và là người lãnh đạo tập thể”. Tiếng nói của báo chí vừa là sự định hướng về tầm vóc của dư luận, vừa có khả năng dự báo, kết đoàn mọi trái tim cùng nhiệt huyết vì vận mệnh của non sông,

đất nước. Trong 85 năm qua, báo chí cách mạng đã có đến nửa thế kỷ viết, nói, đưa hình ảnh về công cuộc đấu tranh giải phóng - thống nhất nước nhà (1925-1975). Rất nhiều nhà báo đã anh dũng hy sinh trong sự nghiệp cầm bút - chiến đấu vẻ vang và gian khổ đó. Dòng máu đỏ của các liệt sĩ - nhà báo là tấm gương sáng ngời cho những người làm báo các thế hệ sau noi theo, tiếp bước.

Đất nước đổi mới, công cuộc xây dựng một nước Việt Nam thống nhất, mới mẻ có không ít những điều phức tạp nảy sinh. Theo cách nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh là rất nhiều những “viên đạn bọc đường”. Những cạm bẫy của đời sống kinh tế, những cám dỗ của mối lo toan về vật chất đã làm cho không ít ngòi bút phải chùng xuống, thậm chí, bị bẻ cong. Đó là một sự thật mà những người cầm bút không được phép lẩn tránh. Sự thật “một nửa” hay 99% sự thật vẫn chưa thể là sự thật. Đây là vấn đề thuộc về nguyên tắc, lương tâm của người cầm bút.

Để đạt đến yêu cầu 100% của sự thật và chỉ sự thật mà thôi, những người làm báo phải có cái tâm sáng, cái trí minh mẫn, cái mục tiêu rõ ràng. Thật ra, dù là thời đại nào đi nữa thì một khi nhà báo viết vì nhân dân; đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết thì chẳng bao giờ phải băn khoăn về những “giá trị” nửa vời. Tính chân lý của mục tiêu vì cộng đồng, vì lợi ích chung; tự nó, đã loại trừ mọi ý nghĩ “đong đưa” vì sự bôi đen hay tô hồng sự kiện mà nhà báo phản ánh.

Lịch sử báo chí nước ta có những tấm gương thật đẹp mà tiêu biểu nhất là nhà báo Nguyễn Ái Quốc. Cách đây 90 năm (1920) mà tờ báo Người cùng khổ (Le Paria) đã có đến 50 trang quảng cáo, có những mục thời sự nóng bỏng làm “cháy” rực mọi trái tim nhiệt huyết yêu nước thì quả là một kỳ công! Báo chí phải có chức năng đem đến thông tin nóng, chính xác, khách quan; phục vụ đúng nhu cầu của người đọc - tức tâm nguyện của đại đa số nhân dân là cách mà Nguyễn Ái Quốc đã dạy, đã tận tình chỉ dẫn cặn kẽ những người làm báo Việt Nam hôm qua, hôm nay và ngày mai. Rất tiếc khi buộc phải nói rằng có không ít lần báo chí thời nay xào xáo tin tức một cách vội vàng, chạy theo những động cơ cá nhân để lá cải hóa thông tin, nhàm chán hóa sự kiện, tẻ nhạt hóa vấn đề và không ít lần làm cho người đọc bối rối, thất vọng.

Trong thời đại của thế giới phẳng, toàn cầu hóa; mọi sự khuất tất và lầm lẫn của các cây bút không thể dối lừa được dư luận. Cũng tương tự như thế, mọi sự bao biện cho những động cơ cá nhân, vị kỷ sẽ sớm bị bóc trần trước công luận. Nhà báo thời xưa có thể múa bút trong khu rừng của thật - giả khó kiểm chứng, lẫn lộn. Nhưng thời nay, sự chân xác của những kiểm định nghiêm ngặt của dư luận sống, nhanh, đa chiều luôn đòi hỏi một cách khắt khe tầm nhìn, định hướng rõ ràng, chuẩn xác của mọi cây bút. Chẳng hạn, nếu tiêu cực hóa xã hội với dụng ý xấu, tạo nên dư luận “đánh đổi” sai trái thì báo chí sẽ trở thành một công cụ của các thế lực phản động và thù địch.

Thời nào hay ở đâu thì cái ác nhân danh “chính nghĩa” vẫn cứ nấp bóng và phát tác đầy rẫy trên các trang báo được “lập trình” bằng những động cơ xấu xa. Chính vì thế, trách nhiệm của nhà báo hôm nay nặng nề lắm. Chuyển tải thông tin đã được kiểm định vẫn chưa là đủ mà còn phải xác định rõ thông tin đó có thể bị lợi dụng hay không, bị đánh tráo khái niệm từ cái sai bình thường thành sự trầm trọng của xã hội hay không...

Có ý kiến cho rằng báo chí là quyền lực thứ tư sau các cơ quan quyền lực lập pháp, hành pháp, tư pháp của một chế độ xã hội. Nhận thức theo cách đó sai về logic và thậm chí sai trong cách đặt vấn đề. Chỉ có một quyền lực thật sự trong xã hội, đó là sự thật, công bằng, nhân ái. Báo chí chỉ chuyển tải những đòi hỏi đó của cuộc sống thành báo viết, báo hình hay báo nói. Tìm kiếm “quyền lực”, áp đặt nhận thức không thể nào là động cơ đích thực của báo chí.

Đặc biệt, hàng ngàn nhà báo của hơn 700 tờ báo, tạp chí... của nước ta ngày nay là con đẻ của dòng báo chí cách mạng - với tôn chỉ, mục tiêu rất rõ ràng là vì mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam độc lập, mạnh giàu để trong một tương lai có thể nhìn thấy được, “sánh vai với các cường quốc năm châu” bằng sức mạnh của tự do, dân chủ, hạnh phúc, công bằng...

Báo Đà Nẵng góp mặt cùng báo chí cả nước muộn hơn - mới 50 năm, nhưng đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thành quả đó đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận: Tập thể cán bộ, nhân viên của Báo Đà Nẵng vừa đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba nhân dịp kỷ niệm 85 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam và 50 năm Ngày Báo Đà Nẵng ra số đầu. Vinh dự và trách nhiệm, cống hiến và bổn phận, nghĩa vụ và thành công là những điều con người phải luôn luôn ghi nhớ. Đối với nhà báo, đó còn là lẽ sống, là mục tiêu duy nhất để cho tâm sáng, bút sắc,  sáng tạo không ngừng...

Hà Văn Thịnh

;
.
.
.
.
.