.

Cải thiện chất lượng dịch vụ y tế

Thông tin Bộ Y tế muốn tăng viện phí được đăng tải trên nhiều phương tiện thông tin ngày 7-7 làm không ít người lo lắng, trong khi bài toán chất lượng dịch vụ y tế vẫn đang được đặt ra cấp thiết. 

Theo dự thảo điều chỉnh viện phí mới, mức thanh toán khám bệnh sẽ tăng lên 30.000 đồng/lần (cho bệnh viện hạng cao nhất) và từ 10.000-20.000 đồng/lần khám cho các bệnh viện tuyến dưới. Tiền giường điều trị cũng sẽ tăng lên 50.000-100.000 đồng/ngày, tùy theo tuyến điều trị. Lý giải của Bộ Y tế rằng, việc điều chỉnh giá viện phí lần này để phù hợp với sự biến đổi của mặt bằng giá chung trong 15 năm qua xem ra hoàn toàn hợp lý.

Cũng theo Bộ Y tế, việc tăng viện phí sẽ không ảnh hưởng đến 72% dân số. Những đối tượng khó khăn trong việc mua thẻ Bảo hiểm y tế (học sinh, sinh viên, trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, người cận nghèo, các đối tượng chính sách xã hội...) đã được Nhà nước cấp hoặc hỗ trợ mua thẻ. Còn lại 28% thuộc đối tượng có mức thu nhập trung bình khá trở nên sẽ bị ảnh hưởng.

Dẫu biết các giá cũ như từ 3.000-5.000 đồng/lượt khám bệnh, từ 7.000-12.000 đồng/giường bệnh/ngày đã không còn phù hợp, nhưng điều lo ngại là tăng viện phí thì có cải thiện được chất lượng dịch vụ y tế không. Cho đến nay, bài toán về chất lượng dịch vụ y tế vẫn được đặt ra bức bách nhưng chưa có lời giải thỏa đáng.

Điều mà người dân đang quan tâm là khi nào sẽ cải thiện được tình trạng chật chội, nhếch nhác, không còn cảnh ghép giường (2-3 bệnh nhân/giường bệnh), cũng như đến khi nào thì bệnh nhân sẽ được chăm sóc y tế một cách tốt nhất, không còn tình trạng những người có Bảo hiểm y tế lại bỏ tiền khám chữa bệnh bên ngoài chỉ vì tâm lý e ngại chất lượng phục vụ. Ngay tại TP Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương trên cả nước, vào những mùa dịch sốt xuất huyết, hay mùa nắng nóng như hiện nay vẫn xảy ra tình trạng quá tải giường bệnh, gây bức bối, khó chịu không những cho bệnh nhân, cho người nhà bệnh nhân mà còn cho cả đội ngũ nhân viên y tế.

Báo Tuổi Trẻ ngày 6-7 cho biết, mục tiêu của đợt thay đổi giá viện phí do Bộ Y tế đề xuất lần này là cải thiện chất lượng bằng cách chi trả xứng đáng hơn cho đội ngũ bác sĩ, y tá, bảo đảm nguồn thu cho bệnh viện, giảm ngân sách nhà nước cấp cho bệnh viện để đầu tư cho người nghèo. Sự thay đổi này về căn bản là điều đáng mừng và theo khẳng định của Bộ Y tế, cùng với việc tăng viện phí thì chất lượng khám chữa bệnh sẽ được cải thiện. Song, trong điều kiện thực tế khám chữa bệnh hiện nay, lời khẳng định tăng chất lượng này vẫn chưa có gì bảo đảm để có thể là tín hiệu vui thật sự đối với người dân.

Rồi đây, sau khi dự thảo về giá viện phí mới được ban hành thì có thể giá viện phí sẽ còn tăng cao hơn thế nữa cùng với nhịp độ phát triển của xã hội, phù hợp quy luật cung - cầu. Nhưng cái quy luật cung - cầu này vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ theo đúng nghĩa của nó. Và để giải quyết thỏa đáng bài toán cung - cầu bức thiết của ngành y tế thì có quá nhiều việc để Bộ cùng các cơ quan chức năng xắn tay vào cuộc, làm sao để người dân cảm thấy rằng mình chính là người được thụ hưởng từ những thay đổi của chính sách.

Vĩnh An

;
.
.
.
.
.