.

“Chạy” trường

Báo Đà Nẵng ngày 8-7-2010 có đăng bài của nhà báo Ngọc Đoan phản ánh việc rất nhiều trường tiểu học, THCS ở quận Hải Châu đang đau đầu, bế tắc trước việc không thể tiếp nhận thêm học sinh (vì quá đông, bởi theo quy định của Bộ GD-ĐT, lớp học tiểu học không quá 35 HS/lớp; còn lớp học THCS không được quá 45 HS/lớp); mặc dù về nguyên tắc có hộ khẩu đúng tuyến là Phòng GD-ĐT quận không thể chối từ (!).

Thực trạng trên cho thấy điều gì?

Trước hết, phải khẳng định rằng hộ khẩu “thật” nhưng thực ra là “giả” vì nó mới được gia đình chạy để con em mình được tuyển vào trường tiểu học có “thương hiệu”. Dù muốn hay không, cơ quan chức năng phải chịu trách nhiệm về vấn đề này. Áp lực trường học luôn là nỗi lo của các bậc phụ huynh vì cái chuyện đến hẹn lại lên đã có tự lâu rồi.

Trường học gần nơi cư trú thuận tiện mọi bề là điều ai cũng hiểu vì nó liên quan đến tiền bạc, thời gian, công sức đón đưa của các bậc làm cha làm mẹ. Thế nhưng, “vấn nạn” trên đã chỉ ra một vấn đề lớn và bức xúc hơn nhiều đối với ngành Giáo dục Đà Nẵng nói riêng, các thành phố lớn trên cả nước nói chung là: Chất lượng đào tạo của nhiều trường học ở các quận, huyện chưa tốt nên người dân ở các quận “láng giềng” tìm mọi cách cho con mình được học ở Hải Châu!

Sự thật đương nhiên này buộc ngành Giáo dục phải “suy ngẫm” và tìm ra giải pháp - không chỉ cho năm này mà còn nhiều năm sau nữa. Nếu thực tế trả lời rằng chỉ có Hải Châu (trung tâm) là mặt bằng có môi trường đào tạo tốt nhất thì tất nhiên hệ lụy kéo theo sẽ là tại sao trong một thành phố lại có sự phân hóa cao đến như thế về năng lực dạy học?
 
Đây không chỉ là chuyện dạy và học mà còn liên quan đến các vấn đề xã hội cũng như yêu cầu phát  triển đồng bộ nhất thiết phải có đối với một thành phố đã và đang có rất nhiều tiềm năng, nội lực để phát triển, tăng tốc. Giả sử Đà Nẵng chỉ có một, hai quận có chất lượng giáo dục tốt thì làm sao giải nổi bài toán về chất lượng học vấn - văn hóa của thành phố trong tương lai?

Cả nước đang thiếu hơn 15 vạn giáo viên cho các cấp học phổ thông. Đó mới chỉ là sự thống kê theo phương pháp lượng hóa. Thực tế chỉ ra rằng có không ít trường học đủ giáo viên về số lượng nhưng lại thiếu về chất lượng. Chuyện “chạy” hộ khẩu cho con em được học ở nơi mình cần và muốn, phản ánh rất rõ thực trạng trên.

Có thể nói rằng chính sách trọng dụng nhân tài của Đà Nẵng mới được khẳng định bằng Quyết định số 17/2010/QĐ-UBND do Chủ tịch thành phố Trần Văn Minh ký ngày 18-6-2010 cần phải được mở rộng hơn, ưu đãi nhiều hơn với các đối tượng là cử nhân tốt nghiệp bằng giỏi để nâng cao chất lượng giảng dạy cho các cấp tiểu học và THCS. Mặt khác, cũng phải nhấn mạnh rằng việc tăng nhanh dân số thiếu cân đối đã đặt lên bàn các cơ quan quản lý hành chính - xã hội một thực tế rằng xây dựng thêm (ngay từ bây giờ) các trường học mới là điều phải làm, phải quy hoạch cụ thể theo dự báo khoa học.

Nếu số học sinh buộc phải nhận tăng lên thì chất lượng giáo dục (theo quy định của Bộ chủ quản) sẽ giảm là điều có thể nhìn thấy được. Nếu số lượng hộ khẩu “chạy” vẫn tiếp tục gia tăng mà không có các giải pháp hữu hiệu để kiểm soát thì sự phát sinh tiêu cực là điều không cần phải bàn. Nếu giáo dục không có chất lượng đồng bộ thì sự phát triển thiếu bền vững cũng sẽ là lẽ đương nhiên. Chừng ấy cái “nếu” đang đặt rất nhiều câu hỏi (phải trả lời) của ngành Giáo dục cũng như các cơ quan có trách nhiệm về văn hóa - xã hội.

Tô Vĩnh Hà

;
.
.
.
.
.