.

Đặt tên đường

Một trong những tin vui trong những ngày tháng 7 này đối với người dân Đà Nẵng nói riêng và người dân cả nước nói chung là việc Hội đồng Nhân dân TP. Đà Nẵng đã quyết định đặt tên cho những con đường - đại lộ mới bằng những cái tên rất ấn tượng và giàu ý nghĩa là đường Hoàng Sa - Trường Sa dài 27km, đường Norman Morrison dài 575m và đường Francis Henry Loseby cũng dài 575m.

Có thể nói rằng là một nhà sử học, tôi chờ đợi giây phút này hàng chục năm nay. Đây không chỉ là chuyện về tên mà ý nghĩa của nó sâu sắc và nhân văn lắm: Nó thể hiện sự trân trọng lịch sử; tấm lòng  của con người thời đại mới luôn trân trọng những đóng góp của tiền nhân - bất kể họ là người nước nào, miễn là có công lao đối với mảnh đất quê hương mình; nó còn là sự minh định rõ ràng rằng tầm nhìn của một cách nghĩ chỉ đến khi nó gắn liền với chữ tâm; trong trường hợp này là nếp nghĩ truyền thống của văn hóa Việt - uống nước nhớ nguồn.

Còn nhớ, cách đây ít lâu, khi Đà Nẵng rút tên Hoàng Sa ra khỏi một con đường, không ít tờ báo đã “nhắc nhở”(!) Họ có biết đâu rằng con đường ngắn ấy không tương xứng với tầm vóc của Hoàng Sa - Trường Sa trong trái tim và suy nghĩ của người Đà Nẵng. Đà Nẵng muốn dành cho hai quần đảo thiêng liêng ấy những tình cảm tốt nhất, những gì đáng trân trọng nhất. Bây giờ, thực tế đã chứng minh là toàn bộ vòng cung biển từ Bãi Bắc (bán đảo Sơn Trà) đến  ranh giới với tỉnh Quảng Nam là con đường mang tên Hoàng Sa - Trường Sa. Vậy là, con đường dài nhất, ôm lấy một trong những bãi biển đẹp nhất thế giới đã trở thành những tên gọi đầy xúc động. Nếu tính từ Nam đèo Hải Vân với đường Nguyễn Tất Thành, được nối thông suốt qua cây cầu Thuận Phước thì tuyến đường Nguyễn Tất Thành - Hoàng Sa -Trường Sa dài đến 50km! Một sự “liên thông”, một cách nhìn hướng ra biển trời quê ta nặng đằm ân nghĩa, ấm áp tình người và thật rộng mở bởi một cách nhìn thấu đạt ra biển khơi xa.

Những ai đã từng sống trong những ngày chống Mỹ chắc hẳn không thể quên được sự kiện Norman Morrison tự thiêu để phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở Việt Nam ngày 2-11-1965 - 8 tháng sau khi đơn vị lính thủy đánh bộ Mỹ đầu tiên đổ bộ vào Đà Nẵng, chính thức mở đầu cuộc chiến tranh cục bộ. Sự hy sinh cao thượng và anh dũng của Morrison được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara chứng kiến tận mắt. Ông nói rằng: “Cái chết của Morrison là một thảm họa không chỉ cho gia đình anh mà cho cả tôi và nước Mỹ. Đó là lời phản đối rõ ràng nhất trước hành động hủy diệt cuộc sống của người dân Việt Nam và rất nhiều binh sĩ trẻ Mỹ” (Việt Báo, 4-7-2004). Nhân dân Việt Nam đã vô cùng cảm kích và xúc động trước sự hy sinh cao cả ấy. Nhà thơ Tố Hữu đã viết nên những vần thơ bất hủ: Ê-mi-ly con đi cùng cha/ Mai khôn lớn con thuộc đường khỏi lạc/ Đi đâu cha? Ra bờ sông Pô-tô-mác/ Xem gì cha? Không, con ơi! Chỉ có Lầu Ngũ Giác/ Ôi con tôi đôi mắt tròn xoe/ Ôi con tôi mái tóc vàng hoe/ Đừng có hỏi cha nhiều con nhé/ Cha bế con đi, tối con về với mẹ/ Oa-sinh-tơn, buổi hoàng hôn/ Ôi những linh hồn còn, mất… Nhà thơ Tố Hữu đã thay mặt nhân dân Việt Nam viết bài điếu văn bằng thơ thật cảm động. Tuy nhiên, như thế vẫn là chưa đủ. Những người Việt Nam hôm nay rất cần biết đến Morrison, rất cần bày tỏ lòng biết ơn và tưởng nhớ chân thành đến một người Mỹ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng của dân tộc Việt Nam. Còn gì ý nghĩa hơn khi chính ở nơi những lính Mỹ mở đầu chiến tranh xâm lược cũng lại là nơi người Việt Nam bày tỏ tấm lòng với một người Mỹ? Sự rạch ròi trong nghĩ suy và tình cảm của Đà Nẵng hôm nay, thật đáng để ghi nhận, tự hào.

Có một người chỉ “đi thoảng qua” lịch sử Việt Nam nhưng lại có vai trò rất đặc biệt - đó là F.H. Loseby. Chính ông, bằng sự tận tâm, thông minh và nhiệt tình vô bờ bến đã đấu tranh để bảo vệ cho bằng được một người Việt Nam yêu nước là Nguyễn Ái Quốc thoát khỏi án tử hình của Tòa lãnh sự Pháp tại Hồng Kông. Nếu không có Loseby, Nguyễn Ái Quốc sẽ bị dẫn độ về Việt Nam - nơi đã có một bản án tử hình vắng mặt do nhà cầm quyền thực dân Pháp ở Đông Dương áp đặt. Loseby đã chứng minh Nguyễn Ái Quốc có hộ chiếu của Vương quốc Anh - có nghĩa là người Anh và do đó, người Pháp không có quyền kết án. Đà Nẵng đã trở thành nơi đầu tiên ghi nhận rõ công lao của một người Anh có tấm lòng thật đáng trân trọng. Đó còn là một thông điệp để gửi đến bè bạn khắp năm châu bốn biển rằng Đà Nẵng là một trong những dấu ấn, điểm đến, nơi gặp gỡ của niềm tin, tình cảm chân thành và hiểu biết…

Trong cuộc đời, trong mọi xã hội - dấu ấn văn hóa là nơi đáng để khắc ghi, gìn giữ những giá trị vừa vô hình nhưng lại rất hữu hình của một dân tộc, cộng đồng. Việc đặt tên đường của HĐND thành phố Đà Nẵng thể hiện một cách nhìn đúng đắn, sâu đậm nghĩa tình. Tất nhiên, vẫn còn rất nhiều cái tên đáng trân trọng khác mà chúng ta chưa có dịp để đặt tên đường phố như là một khúc tưởng niệm, vinh danh. Lịch sử rất cần sự đủ đầy của ghi nhận và hiểu biết - mà, một trong những biểu hiện rõ nhất là những tên đường...

H.V.T

;
.
.
.
.
.